Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Khi giao tiếp, người EQ cao không kể lể nhiều về bản thân, không áp đặt ý kiến của mình lên người khác.

EQ là viết tắt của Emotional Quotient, có nghĩa là khả năng nhận thức, kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ của bản thân và cả người xung quanh.
Những người EQ cao có chỉ số cảm xúc cao đồng nghĩa với việc họ có thiên hướng giàu tình cảm, khả năng bình tĩnh, chịu áp lực tốt và biết tiết chế cảm xúc hơn.
Harvey Deutschendorf, nhà nghiên cứu người Canada trong lĩnh vực EQ hơn 20 năm, đã đúc rút được 8 điều mà người có trí tuệ cảm xúc cao không bao giờ làm khi giao tiếp với người khác.

Không chỉ tập trung vào bản thân mình

Những người có EQ cao khi giao tiếp không chỉ tập trung vào bản thân mình mà còn chú ý đến thái độ của người khác. Họ thường lắng nghe và sau đó phản hồi theo cách khiến đối phương cảm thấy được thấu hiểu. Với những người khôn ngoan trong giao tiếp ứng xử, họ biết thế nào là vừa đủ cũng biết cách khen sao cho người nghe vừa cảm thấy sự chân thành, vừa vui vẻ thoải mái.

Không áp đặt ý kiến lên người khác

Khi bạn tranh cãi hoặc khiến đối phương cảm thấy bị ép buộc, chắc chắn họ sẽ tự dựng những hàng rào phòng thủ. Người EQ cao sẽ không dùng ý kiến cá nhân để ép buộc người khác như vậy bởi hiểu sẽ đi ngược lại những nỗ lực thuyết phục mà bản thân đang thực hiện. Đồng thời họ luôn chủ động lắng nghe ý kiến của người khác.

Không nói "Đó không phải trách nhiệm của tôi"

Những người EQ cao luôn sẵn sàng chia sẻ thời gian và kiến thức của bản thân cho mọi người. Họ không bỏ qua một vấn đề hoặc điều gì đó có thể giúp đỡ được lãnh đạo hay đồng nghiệp chỉ vì nó không có trong mô tả công việc của mình. Họ coi bản thân là một phần quan trọng của tổng thể và thường tìm cách đóng góp cho tổ chức.

Không lãng phí thời gian với những người tiêu cực

Những người có EQ cao thường thích gắn bó với những người có suy nghĩ tích cực, có chung mục tiêu và khát vọng. Họ hỗ trợ lẫn nhau và chúc mừng những thành tựu mà người khác đạt được. Mặt khác, họ hiểu rằng nếu tiếp xúc lâu dài với những người tiêu cực sẽ chỉ làm tiêu hao năng lượng của bản thân. Bởi vậy khi ở cạnh những đối tượng này, họ luôn cố gắng hạn chế tương tác.

Không để bản thân phân tâm khi người khác đang nói

Người có EQ cao luôn tập trung trong cuộc nói chuyện bằng cách nhìn thẳng vào người đang giao tiếp cùng mình và mỉm cười. Họ không bao giờ để bản thân rơi vào trạng thái mất tập trung, liếc nhìn người khác trong đám đông hoặc kiểm tra đồng hồ khi nói chuyện. Người EQ cao hiểu, ứng xử như vậy vừa không tôn trọng đối phương, vừa bị đánh giá là bất lịch sự.

Không quên những chi tiết nhỏ

Khi người EQ cao gặp ai đó lần đầu tiên, họ luôn lặp lại tên của đối phương và nhắc lại cái tên đó trong suốt cuộc trò chuyện. Họ luôn nhớ những điều quan trọng, chẳng hạn như tên của người đối diện, con cái, thú cưng hoặc những địa điểm nghỉ mát yêu thích. Bằng cách làm như vậy vào những thời điểm thích hợp trong lần gặp tiếp theo, họ sẽ trở nên nổi bật. Khi mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn, họ luôn ghi lại những ngày quan trọng (ví dụ: sinh nhật hoặc ngày kỷ niệm), sau đó gửi thiệp hoặc gọi điện vào những ngày đó.

Tránh xa những trò đùa xúc phạm hoặc vô duyên

Nếu lời nói và hành động của bản thân có thể gây khó chịu cho đối phương trong một cuộc giao tiếp, người EQ cao sẽ không nói ra. Bởi theo họ nếu tham gia vào những trò đùa vô vị như vậy sẽ khiến mọi người mất hứng thú và không còn cảm giác thoải mái trong giao tiếp.

Không kết thúc giao tiếp đột ngột

Những người thông minh về mặt cảm xúc luôn cố gắng lắng nghe và nhận thức rõ hơn về một tình huống mà người đối diện đang gặp phải. Họ đặt những câu hỏi để mọi người có cơ hội được thổ lộ, từ đó thấu hiểu và đồng cảm được cảm xúc của nhau. Chính điều này khiến cho cuộc trò chuyện giữa đôi bên trở nên ý nghĩa hơn.

Trang Vy (Theo CNBC)