Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Nói về giai đoạn chấn hưng Phật giáo, thời kỳ ấy Đức Tổ sư Minh Đăng Quang tuy không có sự liên hệ trực tiếp đến chư Tổ của các truyền thống Phật giáo, nhưng đối với những vị cao Tăng trong nước, Ngài đều có đến đảnh lễ thăm viếng và tham vấn Phật pháp.
Tap chi Nghien cuu Phat hoc He phai Khat si To Su Minh Dang Quang va He phai Khat si gop phan vao cong cuoc chan hung Phat giao 1

HT. Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trụ trì Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh, TP. HCM) và Pháp viện Minh Đăng Quang (TP. Thủ Đức, TP. HCM) trong vai trò Trưởng Ban Tổ chức Đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã phát biểu như vậy.

Trao đổi với Đuốc Sen, Hòa thượng tóm lược cuộc đời, đồng thời nói mục đích và ý nghĩa của Đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đức Tổ sư Minh Đăng Quang:

– Đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đức Tổ sư là dịp để mỗi Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ (HPKS) bày tỏ lòng hiếu hạnh, hiếu đạo đối với Tổ Thầy.

Đức Tổ sư sinh năm 1923, người gốc Vĩnh Long, tinh thần dân tộc trong Ngài rất sâu đậm. Theo đó, một cách âm thầm, Ngài ghi nhận lịch sử Phật giáo Việt Nam gắn liền với dân tộc Việt trải suốt 2.000 năm. Do vậy, giáo lý đạo Phật dường như thấm đẫm trong tâm thức của Ngài. Trải qua một khoảng thời gian tầm cầu đạo pháp, đến Campuchia và về lại Việt Nam, sau quá trình trả nghiệp duyên của mình, Ngài quyết chí xuất gia.

Trong tâm thức của Đức Tổ sư bấy giờ đã có sự định hình và dung hợp tinh thần Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy) và Phật giáo Đại thừa Việt Nam có lịch sử 2.000 năm. Đó là sự dung hợp của hai tinh hoa: Y bát khất thực, giữ gìn Giới-Định-Tuệ và ăn chay nằm đất, sống đời sống phạm hạnh bình dị, giản đơn. Sau khi ngộ đạo, Ngài ẩn thân tu tập, thọ giới và định hướng phương châm hành đạo rõ ràng, nêu bật quan điểm:

“Nối truyền Thích-ca Chánh pháp

Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

Một điều đáng trân trọng khi nói về tiểu sử và quá trình hành đạo của Đức Tổ sư (từ năm 15 đến 19 tuồi, rồi 22 tuổi cho đến khi vắng bóng), là Ngài chỉ học qua chương trình tiểu học Pháp thời bấy giờ, rồi tự tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi. Qua đó, Đức Tổ sư xác lập được phương châm hành đạo: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Kể từ đó, suốt 10 năm, y theo lời nguyện nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Ngài tu tập và giữ vững tinh thần xuất gia giải thoát của chư Phật, bằng việc nghiêm trì Giới – Định – Tuệ qua tam nghiệp (thân – khẩu – ý), chuyên tâm vào Kinh – Luật – Luận. Ngài chủ trương, là người xuất gia tu hành cần phải nghiêm mật giữ thân trong sạch, đó là xứ Phật của mình; giữ miệng trong sạch, là pháp Phật của mình và giữ tâm trong sạch nơi tự thân của mình.

Cho đến nay, bản thân tôi thật lấy làm may mắn, tuy không có cơ duyên được làm đệ tử trực tiếp của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, nhưng được duyên lành trở thành một Sa môn Khất sĩ, tiếp cận và sống trong Chánh pháp của chư Phật nhờ những giáo lý mà Ngài truyền dạy qua bộ Chơn Lý. Từ khi xuất gia, tuy không được học nhiều ở trường lớp, nhưng khi đọc bộ Chơn Lý của Đức Tổ sư, từng câu từng chữ dường như thấm nhuần trong tâm trí tôi. Chơn Lý là giáo pháp mà Tổ Thầy dày công truyền lại. Đối với tôi, Chơn Lý dễ hiểu, dễ gần nhưng không vì vậy mà dễ hành; ý pháp trong Chơn Lý cũng không nằm ngoài ý pháp của các kinh điển trọng tâm của Phật giáo.

Nói về giai đoạn chấn hưng Phật giáo, thời kỳ ấy Đức Tổ sư Minh Đăng Quang tuy không có sự liên hệ trực tiếp đến chư Tổ của các truyền thống Phật giáo, nhưng đối với những vị cao Tăng trong nước, Ngài đều có đến đảnh lễ thăm viếng và tham vấn Phật pháp. Từ điểm này mới thấy rõ sự nỗ lực hành trì của Đức Tổ sư trong giai đoạn Phật giáo đầy suy vi như vậy.

Qua Kinh – Luật – Luận và Giới – Định – Tuệ mà Ngài đã để lại trong bộ Chơn Lý và những gì Ngài thực hiện suốt cuộc đời hành đạo của Ngài, đã nói lên công hạnh và đức độ của một vị Tổ đắc đạo. Điều này được biểu hiện rõ nét hơn vào giai đoạn Đức Tổ sư 32 tuổi, khi còn khá trẻ, trong ngày cúng hội, Tổ đã kêu gọi hàng đệ tử vân tập lại, lắng nghe Ngài thuyết giảng thời kinh, rồi từ tốn dặn dò chúng đệ tử hãy siêng năng tu học, ngày mai Thầy sẽ đi tu tịnh tại “Núi Lửa” và sẽ trở về một ngày đủ duyên. Thời điểm ấy, Đức Tổ sư đã dự đoán được những gì sẽ xảy đến với bản thân mình, nhưng vẫn điềm nhiên trước biến cố ấy, bước trên con đường Ngài vẫn thường đi và thọ nạn, chấp nhận điều đó trong tinh thần nhân quả Phật giáo sâu sắc.

Trải qua 69 năm kể từ ngày Đức Tổ sư vắng bóng đến nay, chư Tôn đức Tăng Ni HPKS tiếp thu tinh thần của Tổ Thầy, cũng nhẹ nhàng thọ nhận tin Tổ Thầy vắng bóng và tiếp tục duy trì, tu học và phát huy truyền thống Đạo Phật Khất sĩ. Không có thông tin chính xác về việc Đức Tổ sư Minh Đăng Quang thị tịch, do vậy, HPKS hàng năm vẫn chỉ tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Đức Tổ sư vắng bóng. Đây cũng là lý do HPKS đến nay chỉ làm lễ kỷ niệm, thờ hình Đức Tổ sư mà không cử hành niêm hương, thắp nhang tưởng niệm.

“Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, chư Tôn đức giáo phẩm PGKS đã họp bàn và thống nhất, môn đồ đệ tử PGKS sẽ tiến hành tổ chức tưởng niệm một cách trang trọng. Nhân đó, thông báo đến Tăng Ni, cư sĩ Phật tử PGKS bắt đầu từ nay sẽ thắp hương cúng kính, tưởng nhớ Đức Tổ sư”.
(HT. Giác Toàn)

Bởi lẽ, tính theo tuổi thọ trung bình của con người nói chung, phần lớn rơi vào khoảng 70 đến 90 tuổi. Đến nay đã tròn 100 năm ngày sinh của Đức Tổ sư, cũng là lúc môn đồ đệ tử HPKS chấp nhận việc Ngài đã viên tịch và sẽ bắt đầu thắp hương tưởng niệm từ đây – như hình thức tưởng niệm, cúng kính chư Phật, chư Tổ, các vị cao Tăng, tiền bối hữu công, hay gần nhất là chư vị đệ tử trực tiếp được Đức Tổ sư tế độ.

Việc thông báo bắt đầu tiến hành tưởng niệm, thờ cúng và thắp hương dâng lên cúng dường Đức Tổ sư. Đây cũng là ý nghĩa thiêng liêng của Đại lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG TƯỞNG NIỆM ĐỨC TỔ SƯ

* Xin Hòa thượng cho biết những hoạt động nổi bật dự kiến được diễn ra nhân Đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang?

– Hòa thượng Giác Toàn: Nhằm tôn vinh công hạnh và cuộc đời hành đạo của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, HPKS đã có kế hoạch thực hiện chương trình chính và chi tiết gửi đến GHPGVN cũng như các cơ quan ban ngành hữu quan.

Trong đó, đặc biệt có Hội thảo khoa học 100 năm ngày sinh của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, đồng thời là triển lãm những hình ảnh về cuộc đời của Ngài và sự nối tiếp dòng pháp từ chư đệ tử do Ngài trực tiếp tế độ trải dài suốt gần 100 năm nay. Ngoài ra, nhằm mang đến một góc nhìn rõ nét và trực quan hơn cho Phật tử trong và ngoài Hệ phái KS, cũng tổ chức cuộc thi tóm tắt về cuộc đời, tư tưởng của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang và lịch sử Hệ phái Phật giáo Khất sĩ dành cho quý Phật tử. Trước đó, Ban Tổ chức đại lễ sẽ tổ chức những buổi họp nội bộ nhằm kiện toàn công tác tổ chức đại lễ trước ngày khai mạc.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc He phai Khat si To Su Minh Dang Quang va He phai Khat si gop phan vao cong cuoc chan hung Phat giao 2

Bên cạnh đó, đối với các lễ và đại lễ quan trọng, đặc biệt là Đại lễ kỷ niệm Đức Tổ sư, chư Tăng Ni HPKS vẫn giữ nguyên truyền thống trì bình khất thực vào buổi sớm, trước giờ khai mạc lễ. Đây là một trong những hình ảnh đẹp, được môn đồ đệ tử HPKS gìn giữ suốt nhiều thập niên qua.

* Hiện nay, các giáo đoàn Tăng và Ni giới HPKS có tổ chức ngày Lễ Tưởng niệm Đức Tổ sư vắng bóng vào 01/02ÂL hàng năm. Nhưng theo như Hòa thượng thông tin, kể từ nay, HPKS sẽ chính thức thắp hương cúng Tổ. Vậy chư Tôn đức HPKS sẽ chọn ra ngày nào phù hợp và chung nhất cho lễ tưởng niệm này?

– Đây là một việc trọng đại nên sẽ cần thêm thời gian để chư Tôn đức giáo phẩm HPKS thuộc các Giáo đoàn họp và đi đến thống nhất trong thời gian tới. Tuy nhiên, từ trước đến nay, HPKS vẫn lấy ngày Đức Tổ sư vắng bóng để làm lễ tưởng niệm. Việc có tiếp tục duy trì cả hai Đại lễ Kỷ niệm và Tưởng niệm như bây giờ hay không cũng sẽ được chư Tôn đức họp bàn trong thời gian sớm nhất.

TINH THẦN KHẤT SĨ – TINH THẦN DÂN TỘC, TINH THẦN PHẬT GIÁO VIỆT NAM

* Trải qua 100 năm kể từ ngày Đức Tổ sư Minh Đăng Quang ra đời và gần 80 năm Phật giáo Khất sĩ hiện diện ở Việt Nam và truyền bá ra nhiều nước trên thế giới, HPKS đã tạo nên một truyền thống Phật giáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Theo Hòa thượng, điều gì giúp cho HPKS có được sự kế thừa ổn định, phát triển và hội nhập trong lòng dân tộc cho đến ngày nay?

– Trước hết xin dành tấm lòng tri ân đến toàn thể chư vị Tôn đức tiền hiền của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ vận động thống nhất, như Đại lão HT. Thích Trí Thủ, Đại lão HT. Thích Trí Tịnh, Đại lão HT. Thích Minh Châu… đã cùng chư Tôn đức Phật giáo khắp 03 miền, tạo cho HPKS duyên lành trở thành thành viên của Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Điều này đã góp phần lan tỏa hình ảnh và giáo lý của HPKS tiếp cận với nền Phật giáo Việt Nam, dần đi sâu vào lòng dân tộc.

“Phương châm của HPKS được Đức Tổ sư chỉ rõ, đó là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, với sự kết hợp tinh hoa của hai truyền thống Nam tông Nguyên thủy và Bắc tông Đại thừa, từ đó làm nền tảng hình thành nên Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Ngài cũng đưa ra chủ trương tổ chức rất tinh gọn, nhấn mạnh việc tập sống chung tu học: “Cái sống thì phải sống chung, cái biết thì phải học chung, cái linh thì phải tu chung”. Chính điều này, khi gắn vào thời đại đất nước hòa bình đã tạo nên sự tương thích, hài hòa, gần gũi với đời sống xã hội, dễ đi sâu vào lòng dân tộc và phát triển cùng với sự phát triển của dân tộc, nối kết nhiều vùng miền”.
(HT. Giác Toàn)

* Thuộc thế hệ có cơ duyên tiếp xúc gần với giáo lý của Đức Tổ sư thông qua các vị đệ tử trực tiếp của Đức Tổ sư, người lập nên các Giáo đoàn, Hòa thượng có thể chia sẻ cảm nhận lần đầu tiên tiếp xúc với các vị Trưởng lão đi trước?

– Đức Tổ sư dạy chư Tăng Ni rất hay, đó là hành 03 nghiệp Thân – Khẩu – Ý. Tu tập ở 03 nghiệp ấy thật tốt, đó chính là bước đầu và căn bản nhất của việc tu. Tu nghĩa là sửa chính mình, từ đó mà Tổ dạy: Giữ thân trong sạch, đó là xứ Phật của mình; giữ miệng trong sạch, là pháp Phật của mình; cuối cùng là giữ ý trong sạch, đó chính là tâm Phật của mình. Qua đó có thể thấy, Đức Tổ sư dạy hàng đệ tử một cách trực tiếp, tu tập ngay trên 03 nghiệp Thân – Khẩu – Ý của mình, thứ gần nhất, tưởng như cạn mỏng nhất, nhưng đó lại là pháp môn sâu sắc nhất, giúp người tu tập thanh lọc được nghiệp chướng từ nhiều đời kiếp.

Khi 03 nghiệp này nhẹ đi, việc hành Thiền cũng dễ đi đến chỗ an lạc, thân tâm đồng an tịnh. Ngược lại, 03 nghiệp này còn sâu dày thì ắt hành Thiền mà lòng còn bồn chồn, thân tánh còn dao động. Đây cũng chính là điều tôi cảm nhận được sâu sắc nhất ở các vị Thầy, đệ tử trực tiếp của Đức Tổ sư. Chư vị chính là tấm gương sáng, noi theo công hạnh của Tổ Thầy. Do vậy, khi được nghe pháp hay tiếp xúc gần chư vị, ai nấy cũng dễ dàng cảm nhận được sự trang nghiêm, oai nghi chánh hạnh toát ra từ thân tướng của quý Ngài.

Chỉ trong 20 năm kể từ ngày Đức Tổ sư vắng bóng, 10 vị đại đệ tử Tăng và 10 vị đại đệ tử Ni của Đức Tổ sư đã lập nên được hệ thống các Giáo đoàn vững mạnh. Chính oai nghi và bản tánh hiền lành, dung dị mà trang nghiêm của quý Ngài đã làm rung động hàng đệ tử về sau, khiến nhiều người kính phục mà hướng tâm tu hành. Được như vậy tất cả là nhờ quý Đức Thầy luôn giữ gìn nghiêm mật lời dạy của Đức Tổ sư, thể hiện qua thân hiền, khẩu hiền và ý hiền của quý Ngài mà thuần phục, cảm hóa được căn tánh của nhiều tín đồ.

HỆ PHÁI KHẤT SĨ GÌN ĐẠO, GIÚP ĐỜI

* Sau khi Đức Tổ sư vắng bóng, các Đức Thầy vẫn tiếp tục hành đạo, quá trình những năm 1954 – 1975 có những thuận lợi và khó khăn nào?

– Do không sống nhiều trong Tăng đoàn giai đoạn ấy, nên thực chất ngoài sử sách ghi nhận, tôi cũng không có nhiều trải nghiệm để tỏ bày.

Tuy nhiên có thể nói, so với trước đây, điều kiện vật chất ngày nay thuận lợi hơn hẳn, xã hội cũng ngày càng văn minh và con người tiếp xúc mạnh mẽ hơn với công nghệ hiện đại. Thế nhưng, dù trước đây trong thời chiến, hay ngày nay trong thời bình, con người rõ ràng đều cần đạo đức, đức hạnh, oai nghi và tâm tánh thuần hiền. Đây là những gì mà con người ở bất cứ xã hội nào, đặc biệt là xã hội hiện đại ngày nay đang thiếu và rất cần có.

Như Đức Tổ sư nói trong Chơn Lý, Ngài chỉ đang thêm vào chỗ thiếu của xã hội đương thời. Tu tập chính là như vậy, thêm vào chỗ thiếu của chính mình. Mình thiếu tâm từ, hãy bổ sung pháp từ bi, thiếu oai nghi, hãy nghiêm trì giới luật, thiếu tánh thuần hiền, hãy tập hạnh buông xả…

Ở giai đoạn sau khi Đức Tổ sư vắng bóng, chư Đức Thầy vẫn tiếp tục theo lời di huấn của Đức Tổ sư, thực hành hạnh trì bình khất thực. Đi đến đâu đều được dân chúng kính mến, cúng dường đất xây dựng Tịnh xá thì quý Đức Thầy lưu lại lâu hơn, cũng từ đó thâu nhận thêm nhiều đệ tử hơn.

* Hiện Hệ phái có những khóa tu hay hoạt động chung nào nhằm giúp nâng cao đạo hạnh của Tăng Ni HPKS không, thưa Hòa thượng?

– Bên cạnh khóa An cư kiết hạ vào 03 tháng hạ theo truyền thống chung của Phật giáo, HPKS còn thường xuyên tổ chức các khóa Bồi dưỡng trụ trì, khóa tu Truyền thống Khất sĩ, khóa Bồi dưỡng đạo hạnh cho các vị Tập sự và Sa-di.

* Suy nghĩ của Hòa thượng về các ngôi Tịnh xá có đường lối kiến trúc cách tân so với truyền thống kiến trúc của Phật giáo Khất sĩ?

– Sự biến thể có lẽ nên nhìn nhận nó như một quy luật của cuộc sống.

Gần đây, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN có ý kiến rất hay khi vận động các Hệ phái, trong đó có HPKS, ra sức giữ gìn truyền thống kinh điển tiếng Việt, truyền thống kiến trúc tông môn, truyền thống pháp phục… biệt truyền của từng Hệ phái. Với chủ trương này, sự thay đổi theo lối cách tân trong kiến trúc của một số ngôi Tịnh xá thuộc HPKS nói riêng và của các Hệ phái Phật giáo nói chung, sẽ chỉ còn rơi vào số ít.

Sự biến thể ở phương diện kiến trúc nhằm thích nghi với nhu cầu đối đãi xã hội, có thể được châm chước. Ví như kiến trúc chính của HPKS là ngôi Tịnh xá có hình bát giác và trước đây được xây dựng bằng gỗ, giản dị. Tuy nhiên ngày nay, cần chấp nhận các ngôi Tịnh xá làm bằng bê-tông, xây dựng thêm các công trình phụ, phục vụ cho việc tu học và tiếp đón chư vị lãnh đạo cấp cao như: Thiền đường, Giảng đường, Trai đường, Nhà thờ cửu huyền, Phòng khách… Song, kiên quyết mô hình kiến trúc bát giác là yếu tố không bao giờ được phép sai dịch, hay biến thể.

“Điều quan trọng nhất của người xuất gia là chất liệu bên trong. Phương châm và đường hướng hành đạo cần gìn giữ chung nhất và tuyệt đối không cho phép sự biến thể truyền thống tu tập ở bất cứ phương diện nào. Đó mới là điểm chính yếu để duy trì, làm nền tảng phát triển một Hệ phái”.
(HT. Giác Toàn)

“NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP”

* Bạch Hòa thượng, vai trò và những đóng góp của HPKS trong công cuộc chấn hưng Phật giáo là gì?

– Có thể nói phương châm hành đạo của Đức Tổ sư vạch ra con đường tu tập cho Tăng Ni HPKS chính là một trong những đóng góp thiết thực cho công cuộc chấn hưng Phật giáo. Vì sao? Vào giai đoạn ấy, nền Phật giáo nước nhà được ghi nhận với rất nhiều sự nhiễu nhương của mê tín dị đoan, người tu lại lấy việc cúng kiếng làm sự thực hành chính trong sinh hoạt tu tập hàng ngày. Trước thực trạng đó, phương hướng hành đạo của Đức Tổ sư khác hoàn toàn, đó là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”.

Theo đó, chư Tăng Ni, cư sĩ Phật tử HPKS từ khi khai lập Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam đến nay, chưa bao giờ rơi vào con đường cúng kiếng mang tính mê tín dị đoan, cũng không có việc đốt giấy tiền vàng mã ở bất cứ ngôi Tịnh xá nào. Điều này được dạy rõ trong Chơn Lý của Đức Tổ sư. HPKS nhấn mạnh việc tu tập tự thân, tin vào nhân quả trong cuộc sống và chuyên trì Giới – Định – Tuệ, không chạy đua theo hình thức bên ngoài.

* Từ khi gia nhập và trở thành một trong những thành viên của GHPGVN, HPKS đã có những đóng góp gì?

– Như đã nói ở trên, phương châm hoạt động, những tinh hoa trong giáo lý và truyền thống của HPKS chính là một phần đóng góp lớn cho ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngày nay, Tăng Ni trẻ được HPKS có điều kiện tham gia các chương trình đào tạo Phật học, tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hành chánh của Giáo hội, giúp duy trì truyền thống HPKS và giữ vững tính đoàn kết, lan tỏa giáo lý Phật giáo đến đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước. Đó cũng là đóng góp thiết thực cho Giáo hội. Ngoài ra, HPKS cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, các chương trình an sinh xã hội, góp phần cùng Giáo hội mang lại đời sống ấm no, chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tinh thần đạo pháp đồng hành cùng dân tộc, theo đúng chủ trương và đường hướng của Giáo hội qua các thời kỳ.

* Nhân Đại lễ kỷ niệm lần này, Hòa thượng có nhắn nhủ gì đến Tăng Ni và Phật tử HPKS?

– Mỗi người con Khất sĩ, là Tăng Ni hay cư sĩ Phật tử, nếu mang lòng thương kính Tổ sư và các Đức Thầy, tùy nhân duyên của mình, hãy hết lòng giữ gìn hiếu đạo, hiếu hạnh, tự thân trau dồi giới đức, nỗ lực tu tập và thực hành Chánh pháp; đồng thời mỗi vị cần san sẻ hạnh từ bi bằng các hoạt động từ thiện thiết thực. Đó chính là món quà thiết thực dâng lên cúng dường Đức Tổ sư nhân Đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ngài.

Lưu Đình Long thực hiện
Theo: Tập san Đuốc Sen 32 -  Đăng trên Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học -  Hệ Phái Khất Sĩ

***

[1]. Cần thấy rằng trước bất cứ một sự việc nào, thời duyên nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Khi có đủ duyên chúng ta sẽ cùng trao đổi cụ thể hơn.