Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Phật giáo Khất Sĩ đã nhanh chóng phát triển khắp hai miền Nam và Trung trong ba thập niên 1940 - 1970. Từ thập niên 1980 đến nay, hệ phái Khất Sĩ tiếp tục lan tỏa ra một số địa phương ở miền Bắc và nhiều quốc gia trên thế giới.

Tóm tắt: Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam là chủ đề lớn, thu hút nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, với những khía cạnh đa dạng như lịch sử, tư tưởng, văn hóa… Trong phạm vi nghiên cứu nầy, tác giả chỉ tập trung vào lịch sử truyền bá của hệ phái từ khởi nguyên đến hiện nay. Đây không phải là đề tài hoàn toàn mới. Tuy nhiên trước nay, ở một số tài liệu có những thông tin chưa thống nhứt, đặt ra trách nhiệm cho người đời sau tiếp tục làm rõ hơn. Nghiên cứu nầy không dừng lại ở liệt kê các sự kiện qua các cột mốc thời gian, mà đào sâu những vấn đề có liên quan nhưng ít được các nhà nghiên cứu đi trước đề cập. Bên cạnh đó, tác giả chủ trương sử dụng những danh từ phù hợp với thực tế từng giai đoạn, thay vì sử dụng những danh từ hiện nay cho các sự kiện quá khứ.

1. Dẫn nhập

Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam là một trường phái Phật giáo mới, vừa cố gắng khôi phục những giá trị của Phật giáo khởi nguyên, vừa thể hiện được hơi thở của thời đại. Hình thành từ đồng bằng sông Cửu Long, Phật giáo Khất Sĩ đã nhanh chóng phát triển khắp hai miền Nam và Trung trong ba thập niên 1940 – 1970. Từ thập niên 1980 đến nay, hệ phái Khất Sĩ tiếp tục lan tỏa ra một số địa phương ở miền Bắc và nhiều quốc gia trên thế giới.

Có thể nói, sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của truyền thống Khất Sĩ trong thế kỷ qua đã trở thành một hiện tượng đặc sắc của Phật giáo Việt Nam. Tuy vậy, thành quả đó không hề là điều dễ dàng. Trái lại, lịch sử hình thành và phát triển của hệ phái là một hành trình đầy gian nan. Từ những bước chân đầu tiên của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, bao thế hệ tiếp nối đã lên đường du hóa không mệt mỏi, góp phần xây dựng nền Phật giáo đặc thù của dân tộc.

2. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam

2.1. Đức Tổ sư thời niên thiếu, tu tập và chứng ngộ

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang thế danh là Nguyễn Thành Đạt, sinh ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi 1923 (Âm lịch), quê quán làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (hiện nay là xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Khi đi học, Ngài sử dụng họ tên là Lý Huờn. Xuất thân trong gia đình có truyền thống Phật giáo Đại thừa, Ngài đã quan tâm tìm hiểu về Phật giáo từ rất sớm.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc He phai Khat Si To su Minh Dang Quang 1

Thời niên thiếu của chàng thanh niên Nguyễn Thành Đạt cũng là lúc Phật giáo Việt Nam suy yếu, dẫn đến phong trào Chấn hưng Phật giáo. Các hội Phật học lần lượt ra đời, nhiều sách và tạp chí được xuất bản, Tăng, Ni và cư sĩ tích cực truyền bá đạo pháp bằng những cách thức khác nhau… Nhìn chung, phong trào đạt một số thành quả, dẫu có phần chậm chạp. Chắc hẳn bối cảnh ấy đã tác động không nhỏ đến Ngài.

Năm 1937, Ngài sang Cambodia tìm thầy học đạo. Dù tiếp xúc với Lục-tà Keo([1]) là một tu sĩ không hoàn toàn theo Phật giáo chính thống, nhưng thời gian nầy Ngài có cơ hội tìm hiểu Phật giáo Thượng tọa bộ tại các chùa Khmer ở tỉnh Kampot. Cùng lúc đó, các hoạt động truyền bá Phật giáo Thượng tọa bộ trong cộng đồng người Việt ở Cambodia đang phát triển, trung tâm là chùa Sùng Phước ở thủ đô Phnôm Pênh.

Nhận thấy đường lối của Lục-tà Keo không phù hợp với chí hướng của bản thân, Ngài trở về Việt Nam vào năm 1941. Từ năm 1942 đến năm 1944, Ngài liên tiếp trải qua những biến động lớn trong cuộc đời, từ hạnh phúc đến khổ đau. Đó là lập gia đình, sinh con, rồi vợ và con lần lượt qua đời. Những sự kiện đó góp phần cho Ngài nhận diện rõ bản chất của kiếp nhân sinh và quyết chí tìm kiếm con đường giải thoát.

Năm 1944, Ngài xuất gia ở Vĩnh Long, sau đó dự định đi Phú Quốc tìm nơi tịnh tu. Đến Hà Tiên, Ngài thiền định bảy ngày đêm ở mũi Nai rồi ngộ đạo. Sự kiện ấy diễn ra vào ngày rằm tháng 2, năm đó Ngài 21 tuổi. Đây là cột mốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam ra đời. Sau đó, Ngài ẩn tu ở vùng Thất Sơn và Cambodia.

Năm 1946, Ngài trở về làng Phú Mỹ (ngày nay thuộc tỉnh Tiền Giang) tu hành ở một cốc lá trong khu vườn của người địa phương. Bấy giờ, làng bên là Tân Hòa Thành có chùa Linh Bửu, thỉnh thoảng Ngài đến thuyết pháp cho cư gia, nhưng từ chối làm trụ trì theo đề nghị của họ. Trước nay, nhiều nghiên cứu cho rằng chùa Linh Bửu là nơi khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.([2]) Đây là nhận định chưa chính xác, vì Đức Tổ sư không trực tiếp tu hành ở ngôi chùa nầy, mà ở khu vườn nói trên. Về sau, Ngài hướng dẫn đệ tử xây dựng ngôi tịnh xá ở địa điểm ấy, đặt tên là Mộc Chơn. Đây mới là nơi hoằng pháp đầu tiên của Đức Tổ sư do Ngài xác nhận.

2.2. Giáo hội Tăng-già Khất sĩ ra đời

Năm 1947, Đức Tổ sư lấy pháp hiệu Minh Đăng Quang và bắt đầu thâu nhận các đệ tử xuất gia. Đệ tử nam gồm Huệ Ngạn, Nhựt Quang, Nguyệt Minh, Từ Huệ, Huệ Tịnh.([3]) Đệ tử nữ gồm Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Bửu Liên, Kim Liên, Ngân Liên. Khi đó, các đệ tử gọi thầy mình là Sư trưởng. Hội chúng An cư kiết hạ năm đầu tiên tại làng Phú Mỹ, chư Tăng ở chùa Linh Bửu, chư Ni ở khu vườn nhà người dì của Sư cô Huỳnh Liên và về lại chùa Linh Bửu vào ngày sám hối.([4]) Đây là cột mốc đánh dấu Giáo hội Tăng-già Khất sĩ ra đời.

Đến nay, các nghiên cứu ở Việt Nam chưa thống nhứt thời điểm hình thành Phật giáo Khất Sĩ. Theo chúng tôi, thông qua sự kiện Đức Tổ sư đắc đạo thì năm 1944 là thời điểm khai sáng đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với tư cách là một truyền thống Phật giáo. Trong khi đó, thông qua sự kiện Tăng đoàn được hình thành thì năm 1947 là thời điểm thành lập Giáo hội Tăng-già Khất sĩ với tư cách là một đoàn thể Phật giáo. Cần nói thêm, danh xưng Giáo hội Tăng-già Khất sĩ được Sư trưởng sử dụng cho hội chúng từ buổi đầu,([5]) chứ không phải về sau mới xuất hiện.

Năm 1948, Sư trưởng Minh Đăng Quang và các đệ tử hành đạo đến Sài Gòn. Cảm mến đức hạnh của Tăng-già, người dân hiến đình Phú Lâm (Cây Gõ) để chuyển thành Ngọc Lâm tự (về sau đã trả lại). Đồng thời, các nhà sư Khất Sĩ đã được mời An cư kiết hạ ở chùa Kỳ Viên (Bàn Cờ). Chuyến đi nầy, Sư trưởng tiếp tục thâu nhận nhiều đệ tử. Trong đó, có một nhà sư đặc biệt, vốn là người Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp, về sau trở thành Đệ nhị Tổ sư của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam: Trưởng lão Giác Chánh.

Cuối năm đó, tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long) ra đời, trở thành trú xứ chính của Sư trưởng, trung tâm hoằng pháp của giáo hội. Từ đây, những bước chân Khất sĩ không ngừng nghỉ khắp các tỉnh thành miền Tây và Đông Nam Bộ. Các hoạt động hoằng pháp chủ yếu là thuyết giảng, thâu nhận đệ tử xuất gia, xây cất tịnh xá, xuất bản kinh sách… Đặc biệt, Sư trưởng viết 69 tác phẩm Phật học, có nội dung độc lập nhau, nhưng mang chung tiêu đề là Chơn lý. Quá trình biên soạn diễn ra song song với quá trình xuất bản.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Qua trinh truyen ba dao Phat Khat si Viet Nam 1

Trong công cuộc hoằng pháp, Sư trưởng sử dụng nhiều phương thức rất hiện đại so với bối cảnh Phật giáo đương thời. Chẳng hạn, Ngài tổ chức thuyết giảng ở các địa điểm công cộng có khả năng thu hút đông đảo quần chúng, sử dụng loa phóng thanh, thu âm các bài giảng, lập máy in Pháp Ấn (không gọi là nhà in) ở thị xã Long Xuyên… Điều đó cho thấy tinh thần canh tân trong phương thức hoằng pháp của Ngài.

Lễ Tự tứ năm 1953, Sư trưởng tấn phong sư Giác Chánh làm Thượng tọa, có trách nhiệm quản lý giáo hội. Cần lưu ý, danh xưng nầy là sự ủy nhiệm công việc, chứ không phải giới phẩm như cách sử dụng của Phật giáo Việt Nam ngày nay (Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức). Bởi lẽ, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ của Sư trưởng khi ấy chỉ có một Thượng tọa duy nhất là ngài Giác Chánh, có thể hiểu là “người ngồi trên”, có quyền điều hành công việc của giáo hội.

Sau lễ nầy, Sư trưởng tổ chức Đoàn Du tăng Khất sĩ với 21 nhà sư hành đạo ở miền Tây và Đông Nam Bộ. Cuối năm đó, Ngài bổ sung sư Giác Tánh làm Trưởng lão Chứng minh và sư Giác Như làm Tri sự. Mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ 1954 (Âm lịch), Sư trưởng vắng bóng. Thời điểm đó, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam có trên 20 ngôi tịnh xá và hơn 120 vị Khất sĩ.

3. Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam sau khi đức Tổ sư vắng bóng

3.1. Sự hình thành các giáo đoàn

Sư trưởng có hoài bão: “Cuộc đi du hành sau khi giác ngộ sẽ lan dần ra các xứ. Ban đầu đi quanh xứ Việt miền Nam, kế đó lần ra Trung, Bắc cùng khắp cõi Đông Dương nếu con đường thuận tiện.”([6]) Sau khi Ngài vắng bóng, Đoàn Du tăng Khất sĩ do Thượng tọa Giác Chánh dẫn đầu đã tổ chức nhiều chuyến hành đạo ra miền Trung, đến địa phương xa nhứt lúc bấy giờ là Quảng Trị – nơi vĩ tuyến 17 chia đôi đất nước.

Sau những chuyến đi ấy, một số vị ở lại miền Trung hoằng pháp, từ đó hình thành các giáo đoàn. Tuy nhiên thời bấy giờ, danh từ “giáo đoàn” chưa xuất hiện và không xếp theo số thứ tự như ngày nay. Thay vào đó, họ chỉ gọi đơn giản là “đoàn”, trên văn bản thì sử dụng danh xưng Đoàn Du tăng Khất sĩ như cách gọi của Sư trưởng, tên đoàn gắn với pháp hiệu Trưởng đoàn. Các đoàn gồm:

Đoàn Thượng tọa Giác Chánh (Giáo đoàn I) là Đoàn Du tăng Khất sĩ ban đầu do Sư trưởng Minh Đăng Quang thành lập, được Thượng tọa Giác Chánh và Tri sự Giác Như tiếp nối điều hành. Đoàn hoằng pháp chủ yếu ở Tây Nam Bộ.

Đoàn Trưởng lão Giác Tánh (Giáo đoàn II) do Trưởng lão Giác Tánh và Thượng tọa Giác Tịnh ở lại miền Trung và thành lập năm 1957. Đoàn hoằng pháp chủ yếu ở duyên hải miền Trung.

Đoàn Thượng tọa Giác An (Giáo đoàn III) do Thượng tọa Giác An ở lại miền Trung và thành lập năm 1957. Đoàn hoằng pháp chủ yếu ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Đoàn Thượng tọa Giác Nhiên (Giáo đoàn IV) do Thượng tọa Giác Nhiên thành lập năm 1957. Đoàn hoằng pháp chủ yếu ở Đông và Tây Nam Bộ.

Đoàn Thượng tọa Giác Lý (Giáo đoàn V) do Thượng tọa Giác Lý thành lập năm 1960. Đoàn hoằng pháp chủ yếu ở duyên hải miền Trung và Nam Bộ.

Đoàn Thượng tọa Giác Huệ (Giáo đoàn VI) do Thượng tọa Giác Huệ thành lập năm 1962. Đoàn hoằng pháp chủ yếu ở Đông và Tây Nam Bộ.

Bên cạnh đó, Ni giới Khất Sĩ được Sư trưởng giao phó cho Ni sư Huỳnh Liên dẫn dắt từ buổi đầu Ngài thâu nhận Ni chúng vào năm 1947, được xem như một đoàn thể trong tông môn Khất Sĩ. Ngoài ra, có một số Ni chúng không sinh hoạt trong bộ phận Ni giới Khất Sĩ mà nương tựa vào các giáo đoàn Tăng.

Điểm đặc biệt trong lịch sử Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là sự hình thành các đoàn không xảy ra do mâu thuẫn nội bộ. Trái lại, hầu hết các nhà sư có nguyện vọng lập đoàn đều xin phép và nhận được sự đồng ý của Tăng chúng, mà bấy giờ đứng đầu là Thượng tọa Giác Chánh.

Ngoài các đoàn thể như trên, Phật giáo Khất Sĩ có một số nhóm tu tịnh. Có nhiều nguyên nhân khiến các nhà sư tách khỏi đoàn ra tu tịnh, trong đó có hai nhóm nguyên nhân chủ đạo. Một là nguyên nhân khách quan, những biến động của thời cuộc khiến thầy trò thất lạc, các nhà sư không liên lạc được đoàn thể để sinh hoạt chung, dần dần hành đạo độc lập. Hai là nguyên nhân chủ quan, Sư trưởng cấm trị bịnh, phù phép, thiên cơ… nhưng một số nhà sư tham gia các hoạt động ấy phải rời khỏi đoàn.

3.2. Sự hình thành các giáo hội

Giáo hội Tăng-già Khất sĩ của Sư trưởng Minh Đăng Quang đã hình thành từ năm 1947, Thượng tọa Giác Chánh tiếp quản điều hành từ năm 1954, nhưng chỉ là hội chúng tôn giáo thuần túy. Về sau, các đoàn thể Khất Sĩ đã thành lập một số tổ chức giáo hội được chính quyền đương thời công nhận tư cách pháp lý.

Năm 1963, sau phong trào đấu tranh của Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, chủ yếu tập hợp các tổ chức thuộc hệ phái Bắc tông. Về hệ phái Nam tông, trước đó đã thành lập Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam từ năm 1957. Trong bối cảnh nầy, Thượng tọa Giác Nhiên có ý định thành lập tổ chức có tư cách pháp nhân cho Phật giáo Khất Sĩ. Song, do ngài ở địa bàn “ngày Quốc gia, đêm Cộng sản”, nên gặp khó khăn về thủ tục. Do vậy, hai vị sư Giác Nhu và Giác Tường làm đơn xin thành lập Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam vào năm 1964.

Đến năm 1966, giáo hội được công nhận chính thức, trụ sở ở tịnh xá Trung Tâm, đường Nguyễn Trung Trực, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Trong năm nầy, giáo hội tổ chức Đại hội nhiệm kỳ I, Thượng tọa Giác Nhiên là Tri sự trưởng. Song, trên thực tế giáo hội không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ các đoàn. Họ xem đây là giáo hội của Đoàn Thượng tọa Giác Nhiên và một số nhà sư trẻ ở các đoàn khác, thay vào đó Đoàn Thượng tọa Giác Chánh là giáo hội gốc của Sư trưởng Minh Đăng Quang.

Năm 1971, giáo hội tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II, mô hình tổ chức thay đổi với hai bộ phận là Viện Chỉ đạo và Viện Hành đạo. Viện Chỉ đạo suy tôn Trưởng lão Giác Chánh là Tăng chủ và Trưởng lão Giác Tánh là Đệ nhất Phó Tăng chủ kiêm Quyền Tăng chủ, Viện Hành đạo do Thượng tọa Giác Nhiên làm Viện trưởng.([7]) Lúc nầy, giáo hội mới thật sự nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các đoàn. Năm 1973, giáo hội tổ chức Đại hội nhiệm kỳ III, suy tôn Trưởng lão Giác Tánh là Tăng chủ.

Ngoài ra, Phật giáo Khất Sĩ giai đoạn nầy có hai tổ chức giáo hội khác. Đoàn Thượng tọa Giác Huệ ra đời vào năm 1962, đến năm 1971 thành lập Giáo hội Khất sĩ Việt Nam, hoạt động độc lập với Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam. Trụ sở giáo hội ở tịnh xá Trúc Lâm – giảng đường Lộc Uyển, đường Lục Tỉnh, quận 6, đô thành Sài Gòn. Trước đó vào năm 1958, Ni sư Huỳnh Liên đã thành lập Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam. Trụ sở giáo hội ở tịnh xá Ngọc Phương, đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Như vậy trước năm 1975, Phật giáo Khất Sĩ có ba tổ chức giáo hội, số lượng tịnh xá khoảng 250 ngôi, số lượng Khất sĩ khoảng 500 vị.

Thời kỳ nầy, Phật giáo Việt Nam nói chung vừa vượt qua cơn khủng hoảng nghiêm trọng là Pháp nạn năm 1963 và bắt đầu phục hồi mạnh mẽ, do vậy hoạt động của ba giáo hội Phật giáo Khất Sĩ cũng phát triển theo xu hướng chung. Hình thức hoằng pháp chủ yếu là du hóa, thuyết giảng, thâu nhận đệ tử, xây dựng tịnh xá, sáng tác thơ đạo, xuất bản kinh sách… Trong đó, nổi bật là nhiều tịnh xá được xây dựng mới. Song song đó, nhiều Tăng Ni và cư sĩ đã sáng tác, biên soạn và xuất bản các tác phẩm thuộc nhiều thể loại, không chỉ góp phần truyền bá đạo pháp, mà còn làm phong phú kho tàng văn học Phật giáo Khất Sĩ. Chẳng hạn Minh Đăng Quang pháp giáo (Hàn Ôn biên soạn, 1960), Ánh nhiên đăng (Thượng tọa Giác Nhiên sáng tác, 1965), Tứ kệ tĩnh tâm (Thượng tọa Giác Nhiên biên tập, 1966), Giác Huệ thi tập (Thượng tọa Giác Huệ sáng tác, 1964), Nguồn gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam (Thượng tọa Giác Lý biên soạn, 1971), Ánh minh quang (Trụ Vũ sáng tác, 1973)…

3.3. Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ

Sau khi đất nước hòa bình, Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra vào năm 1981, quyết định thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi đó, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam là một trong chín tổ chức thành viên sáng lập, trở thành một bộ phận của giáo hội mới với danh xưng hệ phái Khất Sĩ. Năm 1983, Đoàn Thượng tọa Giác Huệ hiệp nhứt về hệ phái. Từ đây, các đoàn được gọi là giáo đoàn, sắp xếp theo số thứ tự từ I đến VI. Trưởng lão Giác Chánh được đồ chúng suy tôn là Nhị tổ, tiếp tục là lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật giáo Khất Sĩ, đến khi viên tịch vào năm 2004.

Hiện nay, Phật giáo Khất Sĩ có sáu giáo đoàn Tăng, bên cạnh đó Ni giới hệ phái được xem như một giáo đoàn. Ngoài ra, có năm hội chúng Ni không trực thuộc Ni giới hệ phái mà trực thuộc giáo đoàn Tăng, đó là: Ni giới Giáo đoàn I, Ni giới Giáo đoàn III, Ni giới Giáo đoàn IV được chia thành hai phân đoàn là Phân đoàn I và Phân đoàn II, Ni giới Giáo đoàn VI.

Do hoàn cảnh thời đại, hầu hết Tăng Ni tu học tại tịnh xá, không thể đi khất thực như phương châm ban đầu của hệ phái. Song, bên cạnh các sinh hoạt truyền thống, hệ phái tổ chức nhiều hoạt động tu tập mới nhằm duy trì sự ổn định và phát triển bền vững cho Tăng-già như Khóa tu Truyền thống Khất Sĩ, Khóa Bồi dưỡng trụ trì, Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh… Song hành với việc tu, việc học cũng được chú trọng. Đất nước mở cửa và hội nhập đã tạo cho Tăng Ni có cơ hội du học ở các trường đại học Phật giáo lớn trên thế giới, trở về đóng góp cho hệ phái, cho giáo hội, cho đất nước.

Hơn 40 năm gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, số lượng Tăng Ni, cư sĩ và tịnh xá thuộc hệ phái Khất Sĩ đều gia tăng. Bên cạnh những địa bàn hoằng pháp truyền thống như Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, hệ phái phát triển mạnh ở Tây Nguyên và bắt đầu xuất hiện ở miền Bắc. Theo thống kê của Ban Tăng sự hệ phái Khất Sĩ vào năm 2020, toàn hệ phái có 2.958 Tăng Ni và 683 tịnh xá.([8])

Có thể tham khảo một số số liệu Tăng Ni và tịnh xá do hệ phái Khất Sĩ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống kê qua các năm gần đây:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Qua trinh truyen ba dao Phat Khat si Viet Nam 2

Qua đây có thể nhận thấy, số liệu Tăng Ni và tịnh xá do hệ phái và giáo hội thống kê có chênh lệch. Cụ thể, hệ phái thống kê số tịnh xá cao hơn và số Tăng Ni thấp hơn giáo hội thống kê. Vì sao có sự chênh lệch đó?

Về Tăng Ni, một số vị xuất thân từ các nhóm Khất sĩ tu tịnh, không tham gia các giáo đoàn thuộc hệ phái Khất Sĩ hiện nay, nhưng có sinh hoạt trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do dó, hệ phái thống kê Tăng Ni từ các giáo đoàn trực thuộc, còn giáo hội thống kê Tăng Ni tham gia sinh hoạt giáo hội theo địa phương. Về tịnh xá, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống kê cơ sở tôn giáo theo danh xưng (chùa, tịnh xá, thiền viện…) mà không thống kê theo hệ phái. Trong khi đó, hệ phái Khất Sĩ thống kê cơ sở tôn giáo trực thuộc hệ phái trên thực tế, trong đó không chỉ có tịnh xá, mà còn có chùa, thiền viện, tịnh thất, niệm Phật đường… và những cơ sở đang hoàn thiện thủ tục. Thực trạng nầy đòi hỏi thời gian tới, giáo hội cần nghiên cứu những nguyên tắc thống kê hợp lý hơn đối với Tăng Ni, tín đồ, cơ sở của giáo hội nói chung và các hệ phái nói riêng.

Ngoài ra, sau năm 1975, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam lan tỏa ra nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Pháp, Australia, New Zealand… Đến năm 2015, có trên 50 tịnh xá với hơn 100 Tăng Ni ở hải ngoại.([14]) Đại bộ phận cộng đồng Phật giáo Khất Sĩ hải ngoại có quan hệ khắng khít với cộng đồng Phật giáo Khất Sĩ quốc nội.

4. Vĩ thanh

Từ một trường phái mới hình thành, trong vòng chưa đầy một thế kỷ, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã phát triển nhanh và mạnh, có mặt gần như khắp đất nước và lan tỏa ra nước ngoài. Thành tựu đó quả thật ít cộng đồng tôn giáo nào có được.

Đằng sau thành quả ấy là quá trình vô vàn khó khăn, bởi điều gì mới mẻ luôn vấp phải sự phản ứng từ các định kiến cố hữu. Không chỉ vậy, bậc Đạo sư vắng bóng sớm, hàng đệ tử trải qua cơn khủng hoảng nghiêm trọng. Song, họ không thoái lui, mà tiếp tục cất bước trên con đường truyền bá đạo pháp. Tất cả nhờ sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ phái, đặc biệt là sự dẫn dắt của Đức Nhị tổ và chư vị Trưởng lão tiền bối, nhưng quan trọng nhứt là đường lối đúng đắn mà Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã khai lập.

Tác giả: Vĩnh Thông -  TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Tăng sự Hệ phái Khất Sĩ (2020), “Báo cáo Ban Tăng sự Hệ phái năm 2020”, Website Đạo Phật Khất Sĩ (www.daophatkhatsi.vn), 17/06/2020.
2. Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2019), “Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2019”, Webiste Cơ sở dữ liệu số Giáo hội Phật giáo Việt Nam (www.vbgh.vn), 27/12/2019.
3. Ban Thư ký Hệ phái Khất Sĩ (2016), “Báo cáo tổng kết Hệ phái Khất Sĩ sau 35 năm tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, trong Nhiều tác giả, Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức.
4. Hành Vân (2016), “Cần có một tiểu sử hoàn chỉnh về Đức Tổ sư Minh Đăng Quang”, trong Nhiều tác giả, Hệ phái Khất Sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Nxb Hồng Đức.
5. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2021), “Toàn văn báo cáo thành tựu của GHPGVN trong 40 năm kể từ ngày thành lập”, Báo Giác ngộ điện tử (www.giacngo.vn), 3/11/2021.
6. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), “Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022)”, Webiste Cơ sở dữ liệu số Giáo hội Phật giáo Việt Nam (www.vbgh.vn), 19/11/2022.
7. Huỳnh Minh (1973), Gia Định xưa và nay, Nxb Cánh Bằng.
8. Thích Giác Toàn (2015), “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam: Ánh đạo vàng lan tỏa”, trong Nhiều tác giả, Phật giáo vùng Mê-kông: Ý thức môi trường và toàn cầu hóa, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM.
9. Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn lý, Nxb Tổng hợp TP.HCM.
10. Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ – Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb Khoa học Xã hội.

CHÚ THÍCH
[1]. Ông Keo từng xuất gia rồi hoàn tục, về sau trở thành thầy bùa chú. Người từng xuất gia rồi hoàn tục được người Khmer gọi là Lục, về già được gọi là Lục-tà. Lục-tà Keo là Lục-tà tên Keo, không phải Lục ở tỉnh Takeo như một số tác giả nhầm lẫn, thực tế ông ở tỉnh Kampot.
[2]. Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ – Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb Khoa học Xã hội, tr. 103.
[3]. Về sau do thời cuộc, Huệ Ngạn, Nhựt Quang, Nguyệt Minh đều hoàn tục, do đó Trưởng lão Từ Huệ được xem là đệ tử đầu tiên của Đức Tổ sư.
[4]. Hành Vân (2016), “Cần có một tiểu sử hoàn chỉnh về Đức Tổ sư Minh Đăng Quang”, trong Nhiều tác giả, Hệ phái Khất Sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Nxb Hồng Đức, tr. 97.
[5]. Cụ thể là giấy tờ Ngài cấp cho đệ tử, giấy tờ xin phép chánh quyền cho hành đạo, đề cập nhiều lần trong Chơn lý…
[6]. Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn lý, Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr. 695.
[7]. Huỳnh Minh (1973), Gia Định xưa và nay, Nxb Cánh Bằng, tr. 257.
Cần lưu ý, thông tin nầy hiện nay chưa thống nhứt. Tác phẩm trên được xuất bản vào năm 1973, thời điểm cách Đại hội II chưa lâu, do vậy có độ tin cậy nhứt định. Trong khi đó, bài viết “Tiểu sử Trưởng lão Giác Tánh” do hệ phái Khất Sĩ soạn, đăng website Đạo Phật Khất Sĩ (www.daophatkhatsi.vn) ngày 1/1/2013, cho biết Đại hội II suy tôn Trưởng lão Giác Tánh là Đệ nhất Phó Tăng chủ kiêm Quyền Tăng chủ, không đề cập Tăng chủ. Hy vọng hệ phái nên làm rõ thông tin nầy.
[8]. Ban Tăng sự Hệ phái Khất Sĩ (2020), “Báo cáo Ban Tăng sự Hệ phái năm 2020”, Website Đạo Phật Khất Sĩ (www.daophatkhatsi.vn), 17/06/2020.
[9]. Ban Thư ký Hệ phái Khất Sĩ (2016), “Báo cáo tổng kết Hệ phái Khất Sĩ sau 35 năm tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, trong Nhiều tác giả, Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức, tr. 306.
[10]. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), “Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2012 – 2027)”, Webiste Giáo hội Phật giáo Việt Nam (www.ghpgvn.vn), 14/4/2018.
[11]. Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2019), “Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2019”, Webiste Cơ sở dữ liệu số Giáo hội Phật giáo Việt Nam (www.vbgh.vn), 27/12/2019.
[12]. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2021), “Toàn văn báo cáo thành tựu của GHPGVN trong 40 năm kể từ ngày thành lập”, Báo Giác ngộ điện tử (www.giacngo.vn), 3/11/2021.
[13]. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), “Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022)”, Webiste Cơ sở dữ liệu số Giáo hội Phật giáo Việt Nam (www.vbgh.vn), 19/11/2022.
[14]. Thích Giác Toàn (2015), “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam: Ánh đạo vàng lan tỏa”, trong Nhiều tác giả, Phật giáo vùng Mê-kông: Ý thức môi trường và toàn cầu hóa, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, tr. 94.