Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Hệ phái Khất sĩ ngày nay đã mở rộng từ trong nước đến ngoài nước; hiện nay trong nước có 1395 Tăng, 1863 Ni, 550 tịnh xá; nước ngoài như Mỹ, Úc, Canada…có 50 tịnh xá, 100 Tăng ni. Nội bộ đã khai hóa cho tu sĩ giao lưu văn hóa, hoằng pháp, học thuật, tin học, hành chính, ngoại ngữ.

Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam xuất hiện trong một giai đoạn đặc biệt của đất nước khi bị bảo hộ của Pháp. Xã hội tồn tại hai sắc thái rõ rệt. Nông gia và thành thị. Do tính tương phản của văn hóa và nếp sống đó, một thời gian dài xã hội bất an, xáo trộn về mặt chính trị lẫn tín ngưỡng.

Cùng tất biến là định luật sinh tồn. Những học thuyết Khổng Nho hay Đạo gia không thể vận dụng nội hàm để thoát khỏi cơ chế thực dụng và khoa học, đành thúc thủ duy trì mạng mạch như hạt giống ẩn sâu vào lòng đất chờ thời tiết thích hợp nảy mầm. Riêng Phật giáo Việt Nam, một thời gian khá dài bị bình dân hóa để thích nghi xã hội Khổng – Nho, Thiền môn mang màu sắc đa thần để tùy duyên tồn tại, đôi khi cũng tùy tiện lạc dẫn quần chúng vào cơn mê lộ. May thay, các tôn giáo nội sinh miền Tây Nam bộ đã xuất hiện kịp thời tạo điểm tựa và niềm tin cho quần chúng, chung tay phục dựng nền tảng đạo đức và tâm linh dân tộc.

Cũng từ ý lực tự tồn, Phật giáo Việt Nam nảy mầm một nhánh mới từ gốc cổ thụ mà hai ngàn năm qua cũng từng đâm chồi các nhánh mới. Phải chăng, địa linh sinh nhân kiệt, tiếp tục phát sinh một đức Phật thầy Tây An, một đức Huỳnh giáo chủ, một đức Tôn sư Minh Đăng Quang đủ để xã hội trăm hoa đua nở sắc màu tâm linh, ổn định đức tin trong buổi giao thoa ý hệ khoa học thực dụng và sinh hoạt truyền thống; từ nền tảng đó, hệ phái Khất sĩ đã kịp thời mang luồng gió mới trong nếp sống thiền môn, không hòa nhập xã hội, không lìa xa thế nhân. Bản chất trung đạo của bậc xuất trần đã vực dậy nét mờ nhạt của Phật giáo Việt Nam. Khoác lên mình lớp áo mới để:

“Một bát cơm ngàn nhà

Thân chơi muôn dậm xa

Chỉ vì việc sinh tử

Giáo hóa độ người qua”.

Tứ y pháp triệt để áp dụng để trang nghiêm giáo đoàn, lục hòa cộng trụ để phát triển Tăng đoàn, Giới – Định – Tuệ để thăng tiến tâm linh.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, hệ phái Khất sĩ là một trong 9 hệ phái chung tay xây dựng ngôi nhà chung. Hòa thượng Thích Giác Toàn thay mặt hệ phái rất năng động liên kết chư Tôn túc các hệ phái, tạo cảm thông trong buổi giao thời. Từ đó Hệ phái Khất sĩ nghiễm nhiên không còn là hệ phái nhạt nhòa trong sinh hoạt giáo hội như trước 1975.

Hệ phái Khất sĩ có 6 giáo đoàn tăng và một giáo đoàn Ni phân tán khắp ba miền, gồm 550 cơ sở tịnh xá. Có 1395 vị tăng, 1863 vị Ni. Nước ngoài có 50 tịnh xá và hơn 100 vị tăng, ni.

Việc xây dựng ngôi nhà chung là nhiệm vụ tất yếu, phát triển nội bộ hệ phái cũng là vấn đề quan thiết không kém. Cơ sở hạ tầng nhiều nơi đã và đang tái thiết. Một số tịnh xá đã mở khóa tu cho tín đồ. Nghi lễ phát triển sang đọc tụng các kinh Bắc truyền. Chư Tăng Ni trẻ tranh thủ tiếp thu kiến thức Phật học tại các quốc gia có trường chuyên Phật giáo.

Ngày nay không còn phân biệt hệ phái để cùng trao đổi hiểu biết lẫn nhau, vì bất cứ hệ phái tông môn nào cũng đều mang hương vị giải thoát của đức Thế tôn.

Hiện tượng hệ phái Khất sĩ ngày nay không còn là hệ phái cá biệt trong ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam. Tuy có những đoàn khất sĩ đương thời như: Khất sĩ của Đại sư Huệ Nhật (1945), Liên tông Tịnh độ Non bồng của ngài Thiện Phước còn gọi là Mẫu trầu (1957), Khất sĩ Sơn lâm (1960), giáo đoàn Khất sĩ Ca Diếp (1972). Nhóm Khất sĩ thuộc Tịnh Độ tông Việt Nam (1955) Khất sĩ tu tịnh của ngài Từ Huệ (1952); Cá biệt chăng là một tập thể cộng trụ lục hòa tuyệt đối trung thành với tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp” của đức Tôn sư Minh Đăng Quang.

Mở đầu

Khất sĩ là một hệ phái Phật giáo nội sinh; chắt lọc và kết hợp hai trường phái Bắc tông và Nam tông. Hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển, đã quyện nhập vào niềm tin xã hội, đã có vị trí vững vàng trong Tôn giáo, và có một sắc thái đặc thù trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

Hình thái sáng tạo so với truyền thống hàng ngàn năm mà Phật giáo đã cắm sâu vào mạch sống dân tộc, vì thế đã có nhiều biến thể từ hình thức đến pháp hành cho thích hợp với căn tính, tập quán bản địa; nhưng không thể nói là sáng tạo khi hình thức và công hạnh trở về nguồn trên dưới ba ngàn năm về trước mà đức Thích Ca đã khai sáng.

Nói là trở lại nguyên gốc, cũng phải thích hợp với thời đại đương thời, do vậy, một số tiểu tiết được thay đổi nhưng vẫn không làm mất bản chất cơ bản của đạo giải thoát.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đức Tôn sư Minh Đăng Quang, đây là cuộc hội thảo lần thứ hai được bốn ban ngành kết hợp tổ chức: Hệ phái Khất sĩ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện nghiên cứu Tôn giáo, và trường Đại học KHXH & NV.

– Tuy xoay quanh những chủ đề:

– Tổ sư Minh Đăng Quang

– Sự hình thành và phát triển hệ phái Khất sĩ

– Kiến trúc Phật giáo Khất sĩ, Bản sắc và thực trạng

– Những đóng góp của Phật giáo Khất sĩ.

Những tiết mục yêu cầu không mới, nhưng sẽ có những cái mới dưới tầm nhìn và đánh giá của những nhà nghiên cứu, các học giả, hành giả và sử học. Chính vì những lý do đó, bản tham luận này xin được đóng góp những hiểu biết hạn chế so với nhà chuyên môn và ngay chính trong nội bộ của hệ phái.

Nội dung

I. Tôn sư Minh Đăng Quang

a. Bối cảnh lịch sử

TS Minh Dang Quang

Đức Tôn sư Minh Đăng Quang.

Đất nước ta, vào những năm thuộc thế kỷ 19, thực dân Pháp, xã hội bước vào thời kỳ giao thoa văn hóa Đông Tây, đã có nhiều bỡ ngỡ giữa hai thế hệ. Thế hệ trẻ ở thành thị sớm ảnh hưởng và tiếp thu nền văn minh Pháp đem lại. Đa phần nông thôn, dân quê vẫn chưa thoát khỏi “phèn chua nước lợ”, cố bám ruộng đồng theo mạch sống tiền nhân; con em còn vật vờ với con chữ “vuông” nhiều nét gọi là Hán tự. Dĩ nhiên lối chữ đó đã hạn chế học dụng đối với đa số trong dân gian, họ quan niệm muốn làm quan cần có con chữ chính vì thế tầm nhìn chỉ gói gọn trong “tứ thư, ngũ kinh (1). Đành rằng tiền nhân giúp cho con người có lễ hiếu, có đạo đức; xã hội ổn định nhờ tôn ti lễ giáo (Tam cương ngũ thường).

Khi xã hội được cởi mở, xem nhẹ đạo đức cổ nhân, luân thường đạo lý bắt đầu có vấn đề; kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục… theo đó phát sinh hai mặt tương phản đối nghịch lẫn nhau. Riêng phạm vi Tôn giáo, Nho-Thích-Lão từng là cơ bản xây dựng xã hội, đã phải rút lui vào thôn làng, cận lân với dân quê chơn chất. Có nguy cơ đứng bên lề xã hội. Lễ hội truyền thống làng xã chỉ còn duy trì một số nơi ở đình làng, miếu mạo, riêng Phật giáo, người dân biết đến khi có tang gia hiếu quyến. Một số tín đồ Kitô giáo hải ngoại ngày nay, chỉ có mặt tại nhà thờ khi sinh ra để rửa tội và khi chết đi xin phép cầu hồn, nghĩa là ít ra, đời người có hai lần biết đến tôn giáo của mình. Phật giáo là tôn giáo cổ truyền trên dưới hai ngàn năm, thế mà người dân đương thời chỉ xem Phật giáo là tôn giáo để cầu siêu một lần duy nhất trong đời. Xã hội Việt Nam thời bấy giờ, Phật giáo nói riêng và Tam giáo nói chung bị xếp vào loại mê tín, lỗi thời, quanh quẩn trong làng xã với đám dân dã nghèo khó.

Tuổi trẻ bon chen nếp sống mới, cửa chùa thiếu vắng người kế thừa, do vậy, để duy trì thiền môn, các sư phải lập gia thất để có con nối dõi, biến thành thầy tụng ma chay như một tôn giáo biến thái. (Gọi là Lục hòa Tăng, hay còn gọi là Cổ sơn môn). Phật giáo miền Nam, nhất là miền Tây Nam bộ lúc bấy giờ chưa thâm nhập sâu vào quần chúng như miền Trung, do vậy đức tin cũng rời rạc, thưa thớt.

Không riêng tại Việt Nam, tình hình Đạo Phật suy thoái khắp vùng Đông Nam Á châu trước mãnh lực đồng tiền và đời sống thoáng đạt của nền văn hóa phương Tây đem đến. Ngọn gió lạ đã xô đẩy nếp sống cổ truyền đến miệng hố hủy diệt. Một số chư Tăng Miến, Thái, Campuchea. Tích Lan, Trung Quốc cũng đã ý thức được nguy cơ suy thoái của Phật giáo, cố gắng xiển dương, canh tân Phật giáo. sau nhiều năm vận động, đã cho ra đời một Hội Liên hữu Phật giáo thế giới vào năm 1950 tại Tích Lan, Phật giáo Việt Nam là một thành viên do Hòa Thượng Tố Liên làm trưởng đoàn.

Tuy nhiên, việc canh tân không thể một sớm một chiều đem lại kết quả như ý, Phật giáo ba miền vẫn còn trì trệ theo cổ tục. Một số chư Tăng được bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám truyền đạt kiến thức Phật giáo trên nền tảng Âu học. Riêng miền Nam, các vùng bưng biền, ánh sáng Phật pháp chưa đủ chiếu sáng, phần lớn sư Tăng suy thoái đạo đức, thậm chí không hiểu sâu giáo lý, nằm lòng hai thời bái sám công phu; chỉ khác thế tục chiếc áo và cái đầu; sống thuần tục; để khôi phục đạo đức tiền nhân, đã sản sinh ra một đức Phật thầy Tây An và các đệ tử kế thừa. Hệ phái này đem đạo Phật đi vào xã hội nông thôn rất thành công, nhờ giáo dục bằng thi kệ bình dân dễ hiểu. Đến đời Đức Huỳnh Phú Sổ, Phật giáo rất thực dụng, chủ trương “học Phật tu nhân” ngay tại đời sống thường nhật, đến ngày nay, tinh thần tín đồ vẫn không lệch hướng. sống vì mọi người, người người làm từ thiện, nhà nhà làm công ích tuy cuộc sống họ không dư dả. Các vùng lục tỉnh đã xã hội hóa Phật giáo bình dân rất thành công.

Khi mà đạo đức suy thoái được cổ nhân Thánh hiền phục dựng trong tầng lớp thôn quê nơi ruộng nương, Thiền môn vẫn lặng lẽ an phận sớm kinh chiều kệ, xa rời lòng dân, đức tin Tam bảo là thẻ nhang, vàng mã, bái lạy, ma chay…lệch hướng sang Thần quyền tả đạo; quy luật “cùng tất biến”, tiền bán thế kỷ XX, một Thánh nhân xuất hiện, một Phật Việt thổi luồng sinh khí vào nền tảng Phật giáo với sắc thái nguyên sinh của Đức Cồ Đàm thuở xưa, chủ trương – Thượng cầu, hạ hóa – nghĩa là trên cầu xin giáo pháp Thế tôn, dưới hóa độ chúng sinh.

b. Mầm móng phục hưng Phật giáo nguyên sơ

Trước nạn suy thoái đạo đức Tam giáo, các Nho gia đành thúc thủ; cơ bản học lý Lão-Nho nặng tính cổ tục, phong kiến. đạo Lão mang tính triết học tâm linh, thoát li thực tế, nặng tính siêu nhiên khi mà xã hội có xu hướng công nghiệp và thực dụng. Nho nặng về từ chương, lễ giáo khuôn phép, tạo một căn bản trật tự cho gia đình và an dân trong xã hội. Ràng buộc con người theo khuôn phép gia trưởng và quân quyền. Nó có giá trị khi xã hội loài người trong giai đoạn đang tiến hóa, không thích hợp với trào lưu mới.

Phật giáo là một học thuyết vừa siêu nhiên, vừa thực dụng. Tùy duyên ứng biến, bởi “thế gian pháp tức Phật pháp”. Học thuyết Đại thừa (còn gọi là Phật giáo phát triển) đã giúp cho Phật giáo thích nghi với mọi thời đại, tránh được tính cứng ngắc của Nho-Lão. Tôn sư Minh Đăng Quang, để cứu vãng tình hình Phật giáo suy thoái trầm trọng, với chủng tử nhiều đời, đã thôi thúc Ngài thoát “thế tục gia”, tầm cầu giải thoát, mở ra con đường hưng phục chính Pháp Như Lai.

Sau bốn năm trên xứ chùa tháp tu tập, nghiên cứu giáo lý Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển, Ngài đã quyết định trở về quê hương hành đạo và lập Giáo.

Xét thấy Phật giáo Phát triển linh hoạt nhưng do tính tùy duyên mà đi khá xa tính cơ bản luật học, Tăng phong đạo cách không còn đúng chuẩn theo giáo điều, đôi khi vài nơi làm cho khó phân biệt Phật giáo và Thần đạo. Sau thời gian nghiền ngẫm và thiền định, Người đã chứng ngộ tại Mũi Nai – Hà Tiên, bắt đầu thành lập giáo đoàn, ra truyền giáo với tên gọi Đạo Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam, nối truyền Thích Ca chính pháp. (đây là tôn giáo nội sinh của Việt Nam).

Với tôn chỉ tuyệt đối, lấy giới luật làm thầy, kinh điển làm đuốc soi, tạo một giáo đoàn nghiêm trang hạnh giới, một hình thái đặc thù ở miền Tây Nam bộ. Về hình thức cũng không khác Phật giáo K’hmer, nơi mà Phật giáo Nam truyền (nguyên thủy) đã có mặt và tồn tại khá lâu; hệ phái Khất sĩ là một giáo đoàn chiết lọc tổng hợp hai hệ phái Nguyên thủy và Đại thừa, về hình thức cũng như nội dung. Hình thức y cứ vào giáo lý nguyên thủy, tam y nhất bát, không nghi lễ rườm rà, nội dung hành trì theo luật tạng Bắc truyền và trường trai.

Nguyên tắc sống: làm thân người đều phải vay mượn nương nhờ lẫn nhau, do đó, “không tự lấy để trừ tham, không tự làm để tránh ác”. “uống hỏi xin nước, nằm hỏi xin đất, ăn hỏi xin lá, trái, ở hỏi xin cốc, hang. Không ngắt lá cây, phải lượm xin. Ăn quả chừa hột, đừng bứng gốc (không xin thái quá), không dùng đồ vật về sinh mạng của thú, người. Dứt tham ác thì sân si vọng động chẳng phát sinh. Chỉ ăn đồ xin mà thôi” (2). Nghĩa là không pha chế nấu nướng, ăn ngày một bữa, không ngủ 2 đêm tại một gốc cây. Không giữ tiền bạc vật báu, quý kim… với hình thức mang tên Khất sĩ, nghĩa là người xin giáo pháp tu hành, xin thực phẩm nuôi thân, rất mang tính khiêm hạ và luôn biết ơn.

Đây là thời kỳ chuyên nhất vào Tứ y pháp:

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Dục cùng sinh tử lộ

Khất hóa độ xuân thu”.

Một bài âm hán:

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Thanh mục đồ nhân thiểu

Vấn lộ bạch vân đầu

II. Cơ cấu tổ chức và sự đóng góp cho Phật giáo Việt Nam

a. Tổ chức giáo đoàn và luật học

Chư Tăng sống hòa hợp, 4 vị làm một Tăng, 20 vị lập thành tiểu giáo hội, 100 vị gọi là trung Giáo hội, 500 vị trở lên là đại Giáo hội. Sống chung theo tinh thần lục hòa.

Sơ khai giáo đoàn 1 do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập vào năm 1944. Tổ vắng bóng, phát triển giáo đoàn do nhị Tổ Giác Chánh điều hành. Giáo đoàn 1 có 21 ngôi tịnh xá.

Giáo đoàn 2 do Trưởng lão Giác Tánh và Giác Tịnh thành lập. Có 15 ngôi tịnh xá ở Hàm Tân, Phan Thiết, Khánh Hòa, Quy Nhơn.

Giáo đoàn 3 do trưởng lão Giác An thành lập hành đạo tại Tây Nguyên như ĐakLak, Gia Lai, Kontum…

Giáo đoàn 4 do Pháp sư Giác Nhiên làm trưởng giáo đoàn. Tịnh xá phần nhiều ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ như: Bà rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Cần thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang…

Giáo đoàn 5 do Trưởng lão Giác Lý thành lập năm 1960. Giáo đoàn 5 có 20 tịnh xá, tịnh thất ở Hội An (Quảng Nam), Cam ranh, tháp Chàm, Bình Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tp Hồ Chí Minh, Bến Tre, Vĩnh Long, Gò Công…

Giáo đoàn 6 do Hòa Thượng Giác Huệ thành lập năm 1962, trụ sở tại giảng đường Lộc Uyển, quận 6 Tp Hồ Chí Minh. Giáo đoàn có 18 ngôi tịnh xá, tự viện và tịnh thất.

Giáo đoàn ni do Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên thành lập Giáo hội ni giới Khất sĩ Việt Nam, trụ sở tại Tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp, Tp Hồ Chí Minh. (3)

Trong một tập thể, để duy trì giáo đoàn có nhân cách, quan trọng về giới luật, giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật ví như đôi chân, thiếu không đi được. Chư tăng được tôn trọng là nhờ có giới luật…và cũng từ Giới luật mới có Định để sinh Huệ. Vấn đề này hệ phái Khất sĩ cũng như Phật giáo Nguyên thủy bám sát luật nghi mà hành trì đúng với thời Phật sinh tiền.

Luật giới, theo Phật giáo Phát triền gồm có 5 bộ luật do năm bộ phái khác nhau, tuy nhiên những điều cơ bản không khác; ngày nay thông dụng nhất vẫn là bộ luật Tứ phần. Tổ sư Minh Đăng Quang chiết lọc những điều cơ bản cho ra 114 điều căn bản thích hợp.

Tỳ ni, Sa di, Oai nghi, Cảnh sách là bốn bộ luật; Cảnh sách do Tổ Quy Sơn, Tổ Châu Hoằng giúp cho người xuất gia nghiêm trì thân tâm đúng khuôn phép nhà đạo. Thiền môn xa xưa rất nghiêm túc khi phát tâm xuất gia. Đức Tôn sư Minh Đăng Quang chẳng những giải trình chân lý qua văn chương giản dị mà còn thi kệ hóa đầy đủ một trăm mười bốn điều răn rất chi tiết, bao quát bốn bộ luật Trường hàng Thiền môn thở xưa; nghiêm túc để một vị Khất sĩ toát lên khuôn mẫu đáng kính.

Ton su minh dang quang

Tôn sư Minh Đăng Quang và các đệ tử.

Tuy mang hình thức Phật giáo nguyên thủy, chỉ thờ duy nhất đức Bổn sư, kinh kệ sáng tạo đơn giản, nhưng hành trì có khuynh hướng Bắc tông; vẫn trường trai. Nghi lễ Việt hóa bằng văn vần. Ngài dạy tỉ mỉ sát với luật học. Từ đi đứng, ăn nói, giao tiếp, hầu thầy, nhập chúng, ngủ nghỉ, đi vệ sinh, trì bình khất thực…phần nhiều trích từ Pháp tạng.

Thiền định, ngoài Vipassana, còn hướng dẫn nhiều đề mục quán tưởng từ vật thể đến ánh sáng…quán tử thi, quán thân thể (tứ niệm xứ), tứ vô lượng tâm, quán hơi thở (sổ tức)… Nhưng hình như ngày nay, chư Tăng Khất sĩ tự chọn cho mình một pháp hành nào đó ngoài các đề mục trên, dựa vào các pháp của chư tổ tiền nhân có kinh nghiệm và sở đắc, thích hợp với căn cơ của mỗi hành giả. Dù pháp hành nào, mục đích cũng đưa đến định lực để phát sinh trí huệ.

Tổ sư rất quan trọng trong việc tu tập Thiền định: “Không định không có thần thông quả linh, thì con người sẽ té sa vào nơi vật chất giả dối, nắm níu lấy ác tà loạn vong, chôn nhốt giết hại tâm mình. Cho nên tâm định thì trí mới huệ, huệ nhiều ít thì do định. Định nhiều thì huệ nhiều, định ít thì huệ ít, không định thì không có huệ”. Trong luật nghi Khất sĩ, pháp vi tế về Định, Tổ liệt kê 40 đề mục Thiền định theo bộ Thanh Tịnh Đạo luận. Không những thế, trong mỗi mục còn chi tiết hóa như: 30 đề mục đem đến nhập định, 11 đề mục có thắng lực đem tâm từ sơ định đến ngũ định. Từ trang 132 đến 158 liệt kê các chi pháp của thiền định, qua đó, cho thấy Tổ đã thể nghiệm và nghiên cứu kỹ thiền định như thế nào. (4)

Hệ phái Khất sĩ ngày nay đã mở rộng từ trong nước đến ngoài nước; hiện nay trong nước có 1395 Tăng, 1863 Ni, 550 tịnh xá; nước ngoài như Mỹ, Úc, Canada…có 50 tịnh xá, 100 Tăng ni, (5). Nội bộ đã khai hóa cho tu sĩ giao lưu văn hóa, hoằng pháp, học thuật, tin học, hành chính, ngoại ngữ. Tăng ni thuộc hệ phái Khất sĩ đã có học vị tiến sĩ 43 vị, 30 thạc sĩ, 231 cử nhân, hàng trăm tăng ni tốt nghiệp Cao đẳng, Trung cấp phật học. Nhiều tịnh xá là cơ sở của trường Phật học. (6). Thỉnh giảng các giảng sư ngoài hệ phái trong mùa an cư về Pháp Viện, Trung Tâm. Giao lưu với các thức giả, học giả để tô bồi kiến thức chuyên môn. Hàng năm, có cuộc hội tụ dự lễ tưởng niệm ngày Tôn sư vắng bóng, để lắng nghe các giáo đoàn phản hồi ý kiến ưu khuyết của nội bộ.

Chính mở rộng vòng tay để hệ phái hội nhập và phát triển giữa lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cập nhận thường xuyên để xác nhận vị thế của hệ phái trong thời đại phát triển từng ngày, có như thế hệ phái không lỗi thời với thời đại.

b. Kiến trúc

Kiến trúc là một đặc thù chưa từng có suốt thời gian đạo Phật du nhập vào Việt Nam. Chùa miền Bắc và Trung, xây dựng theo chữ Đinh hoặc chữ Khẩu, tuy khác nhau về chi tiết, nhưng diện mạo tổng thể tương đồng; riêng hệ phái Khất sĩ, tính nhất quán trên 500 ngôi tịnh xá từ bắc chí Nam, từ trong ra đến nước ngoài: chính điện hình bát giác, cổ lầu hình tứ giác, tượng trung cho Bát chính đạo và Tứ Diệu đế; trong chính điện bốn cột biểu trưng cho tứ chúng – Tăng, ni, thiện nam, tín nữ; tam cấp tượng trưng cho Tam bảo – Phật, pháp, Tăng. Nơi thờ Phật và Tổ là xây dựng trên nền tảng bát giác. Bảo tháp bằng gỗ gồm 13 tầng tượng trưng cho 13 nấc thang tiến hóa của chúng sinh hữu tình từ Địa ngục đến quả vị Niết bàn giải thoát hoàn toàn, (Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Thiên, nhơn, A tu la, Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bich chi, Bồ tát, Như Lai).

Tuy nhiên, một vài nơi do địa thế, do tập quán địa phương hoặc do ảnh hưởng nặng về Bắc tông, lối kiến trúc có khác, bên trong vẫn thờ phượng trước Phật sau Tổ. Danh xưng bảng hiệu luôn đứng đầu bằng chữ Ngọc, cũng có những trường hợp đặc biệt không dùng chữ Ngọc như Pháp viện, tịnh xá Trung tâm. . . Cơ sở vật chất tương đối sung túc. Buổi sơ khai khi Tổ còn sinh tiền, tịnh xá thật đơn giản, chỉ xử dụng tre lá, để thích nghi với cuộc sống xã hội, ngày nay tịnh xá đã xây dựng bằng cement cốt sắt. Thích nghi tập quán và nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, sau nhà thờ Tổ, còn thiết kế bàn vong, cửu huyền, tượng Địa Tạng. Ngoài sân có cây Bồ đề và tượng Quan Âm. Còn xây dựng nhà nghỉ khách Tăng, cư sĩ. Có nhà trù mà xưa kia chư Tăng chỉ sống bằng việc đi trì bình.

Với lối xây dựng bát giác được xem là nghệ thuật đặc thù trong kiến trúc Tôn giáo, nhưng bên trong đại điện nơi thờ Phật và Tổ đã chiếm vị thế rộng lớn, không đủ chỗ cho tín đồ hoặc chư Tăng làm lễ, nhất là tự tứ hay tịnh xá có sự kiện lớn.

Nền tảng Bát giác, tịnh xá có 8 cửa, trong Bát chính đạo ta khởi sự vào mắc xích nào cũng đưa đến một điểm, ta bước vào cửa nào của tịnh xá cũng đều nhìn thấy Phật, đó là một thâm ý của Tổ khi đề xuất lối kiến trúc đặc thù này.

Hiện nay, vài nơi chú trọng việc kiến trúc, chư Tăng khất sĩ bị chi phối, lo toan…không còn giữ được quy tắc “tam y nhất bác” hoặc sự thọ dụng “tứ y pháp” như xưa, chiếm thời gian khá nhiều của công phu thiền định. Thậm chí, có những tịnh xá ít có khả năng phát triển, hoặc do tín thí nghèo, hoặc do sư trụ trì thiếu hoạt bác, không vận dụng để bộ mặt tịnh xá phát triển đồng bộ theo xu thế hiện tại, một vài nơi do điều kiện kinh tế địa phương, Tịnh xá chưa được tái thiết như ý nên không được lòng đồng tu.

Phần lớn các tịnh xá thiết lập thêm bảo đài Quán thế Âm, tụng kinh trì chú theo Bắc truyền, thuyết giảng được đưa lên trang mạng. Ngoài cúng hội 2 lần trong tháng, một số nơi tổ chức Vu Lan báo hiếu, mừng Phật đản sinh, đi từ thiện, phát quà người nghèo, khám bệnh miễn phí…. Sinh hoạt hệ phái ít nhiều đã thay đổi, và dần dần hòa nhập vào cộng đồng Phật giáo toàn quốc, tuy vậy, vẫn giữ được nét riêng của tông phái cho dù nội hàm có phần chuyển biến.

c. Những đóng góp

Trong thời buổi đất nước phân hóa, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng đạo Phật Khất sĩ từ năm 1944, lập đạo năm 1947 tại miền Tây nam bộ. Xã hội nhiễu nhương, nhân tâm li tán, được hệ phái của Phật thầy Tây An và đức Huỳnh Phú Sổ xây dựng nền tảng đạo đức cơ bản trong tầng lớp nông dân, Khất sĩ ra đời có lợi thế ổn định tín ngưỡng, đã hội nhập dễ dàng vào cộng đồng xã hội thời bấy giờ. Một sắc thái mới của Phật giáo Việt Nam, quần chúng không còn nhìn nhà sư như những tầng lớp làm thuê cho ma chay đám cúng. Không cúng kiến rườm rà, không áo mão xiêm y lòe loẹt, không cúng sao giải hạn đốt vàng mã, không xem bói toán. Đi đứng tướng mạo trang nghiêm, chuyên lo tu tập thuyết pháp độ sinh; cũng không tham gia vào mọi hoạt động chính trị đương thời.

Thời đệ nhất và đệ nhị Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phật giáo lâm vào khủng hoảng, giáo đoàn Khất sĩ Tăng vẫn chuyên lo tu tập mãi đến 1975.

Năm1981, 9 hệ phái tham gia lập thành Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có hệ phái Khất sĩ. Quá trình sinh hoạt xây dựng và phát triển Giáo hội mới, Hệ phái Khất sĩ do Hòa Thượng Giác Toàn lãnh đạo, nhiệt tình năng động đã làm cầu nối giữa các Tôn túc trong buổi giao thời, tạo sự gắn kết cảm thông để đem đến một tổ chức bền vững. Cũng từ đây, hệ phái Khất sĩ không còn là bóng mờ trong lòng Phật giáo nhiều hoạt dụng.

Kể từ sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, nhiều nhiệm kỳ hoàn chỉnh, hệ phái Khất sĩ đã đào tạo Tăng Ni đa số có căn bản Phật học qua các trường lớp, một số du học có bằng thạc sĩ, Tiến sĩ về tiếp tục đóng góp cho hệ phái và cho các cơ sở giáo dục Phật học.

Về hệ thống dọc hành chính, các Tỉnh thành, quận huyện, hệ phái cũng được Giáo hội công cử vào các ban ngành thích hợp, hợp tác nhịp nhàng, năng động. Tuy nhiên, một vài nơi, Tăng sĩ thuộc hệ phái vẫn chưa được bổ cử vào vị trí tương xứng, (ví dụ tại Giáo hội huyện – Hóc Môn. Tịnh xá Ngọc Hạnh, sư Minh Phước không được tham gia vào tổ chức hành chính, chỉ là một thành viên bình thường như các tu sĩ bình thường, trong khi Hóc Môn chỉ có một sư thuộc hệ phái Khất sĩ duy nhất.

Phía Nam và miền Trung, hệ phái Khất sĩ sinh hoạt nội bộ và hợp tác với Giáo hội đương nhiệm khá chặt chẻ. So với hệ phái Nam Tông kinh, lượng Tăng Khất sĩ tham gia Giáo hội vẫn khá nhiều. Miền Tây Nam bộ, Phật giáo Nam Tông K’hmer đương nhiên có mặt từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở hành chính. Tất cả đó là hiện tượng đáng hoan hỷ mà các nước có mặt các hệ phái Phật giáo chưa làm được. Riêng phía Bắc, Phật giáo Khất sĩ có mặt từ tháng 12 năm 2008 do HT Thích Giác Ngộ, phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng ra Hà Nội truyền pháp tại chùa Tảo Sách, chùa Quán Tinh, chùa Định Quán, chùa Kim Liên…thành lập đạo tràng Như Lai Thanh Tịnh Thiền được nhiều giới từ bình dân đến trí thức, từ sinh viên đến công nhân viên chức tham gia rất hoan hỷ. (3)

Góp mặt trong một tổ chức là hiện tượng đoàn kết ắt phải có, cái nghịch lý là càng năng nỗ, càng bị chi phối thời gian, hội họp, đóng góp. . . đã tiêu tốn thời gian tu tập mà xưa kia Tăng đoàn chỉ đi trì bình, về độ ngọ, thiền định, giảng giải cho tín đồ.

Ngày nay, Tăng khất sĩ ngoài những việc đóng góp công sức và tài vật cho giáo hội chung, còn phải lo phát triển cơ sở, sinh hoạt giáo đoàn, nghiên cứu sách vở, tài liệu để đáp ứng kịp thời trình độ tín đồ. Thời gian tu tập đã bị hạn chế.
Bệnh hoạn cũng là vấn nạn. Có những chư Tăng “tiên thiên bất túc, hậu thiên thất nghi”, nghiệp bệnh đeo đuổi suốt cuộc hành trình xuất gia, tài chính có hạn, việc hành trì không được như ý. Nên chăng, Giáo hội Khất sĩ lập nơi điều dưỡng đặc biệt giúp chư Tăng khỏi phải nương vào bệnh viện xã hội bên ngoài!

d. Tăng phong đạo cách

Một giáo đoàn mà vị giáo chủ vắng bóng trên nửa thế kỷ, vẫn giữ được hình thức, Tăng cách, luật nghi, kiến trúc, giới hạnh nghiêm túc quả là hiếm.

Một vài nghi cách thay đổi do xã hội, cuộc sống bắt buộc. Ví dụ thời Phật sinh tiền, chư Tăng đi bát, không giữ tiền bạc vật quý, nhưng truyền qua Trung quốc, chư Tăng phải canh tác tự sống, thay đổi xiêm y cho thích hợp tập quán bản địa; cũng từ đó, ảnh hưởng nghi tắc Nho gia phải bày ra cúng kiến, thờ phượng rườm rà, áo mão kiểu vua quan cung triều. Phật giáo Việt Nam cũng ảnh hưởng lấy đó làm phương tiện hòa nhập dần dà đi xa khởi điểm.

Qua nhiều thập kỷ, để đem Phật giáo trở lại nguyên sơ, đức Tôn sư Minh Đăng Quang dung nạp hai hệ phái Bắc truyền và Nam Tông cho ra một Phật giáo Việt Nam chính thống. Đem nghi thức đơn giản vào đời sống theo nguyên thủy nhưng vẫn không không đánh mất tinh thần Phật giáo phát triển. Vẫn độ Ngọ như Nam truyền, ăn chay như Bắc tông.

Từ 1981, luật nghi Khất sĩ cũng phải thay đổi ít nhiều, khi đã tham gia vào một tổ chức mệnh danh là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Truyền thống khất thực đã hạn chế, chư Tăng cư trú không luân chuyển như trước 1975. Những vị có chức phận ngoài tu tập phải đóng góp công sức tài vật cho tổ chức và xã hội theo yêu cầu. Một số ít cố gắng không giữ tiền và vật quý. Một vài vị cũng bị xao lãng Tăng cách ít nhiều, thậm chí nói năng tuy không quá đáng nhưng cũng không còn khép mình, khiêm hạ như một vị khất sĩ ngày xưa.

Kết luận

Khất sĩ vẫn là một hệ phái đặc thù của Phật giáo Việt Nam. Hình thức vẫn giữ được “ca sa” thời Phật. Dung hợp cả Bắc và Nam truyền trong giáo luật qua cuộc sống thường nhật. Tăng phong đạo cách của một tu sĩ gương mẫu còn duy trì được luật giới. Tứ nhiếp pháp đã vận dụng cho việc hoằng hóa thành công.

Tuy có những đoàn khất sĩ đương thời như: Khất sĩ của Đại sư Huệ Nhật (1945), Liên tông Tịnh độ Non bồng của ngài Thiện Phước còn gọi là Mẫu trầu (1957), Khất sĩ Sơn lâm (1960), giáo đoàn Khất sĩ Ca Diếp (1972). Nhóm Khất sĩ thuộc Tịnh Độ tông Việt Nam (1955) khất sĩ tu tịnh của ngài Từ Huệ (1952); nhưng không duy trì được bao lâu vì thiếu những tiêu chuẩn cơ bản về tôn chỉ, tổ chức, luật học, sống chung…(8)

Tâm linh và duy vật, công nghiệp và nông gia đã nhạt nhòa ranh giới khi các hệ phái Phật giáo nói chung và Khất sĩ nói riêng, chung tay vạch một lối đi giữa lòng dân tộc. Cơ sở Tôn giáo phát triển, hệ phái phát triển, chỉ cần nội chất tâm linh đồng bộ song hành là đóng góp to lớn cho dân tộc.

Cần chú trọng sức khỏe của chư Tăng. Ngày nay, y dược có cả Tây y, Đông y, thuốc Nam Thuốc Bắc. Không nhất thiết phải theo luật định dùng cây, cỏ, vỏ, lá như xưa.

Một khi hòa nhập, tuy không hòa tan, ít nhiều nội chất cũng có thay đổi; đó là định luật không gì là bất biến, nhờ biến mới phát triển. Hy vọng, Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam sẽ là cốt lõi để duy trì niềm tin cho quần chúng, đúng nghĩa: Nối truyền Thích Ca chính pháp đã tuyên xưng.

Tác giả: Cư sĩ Minh Mẫn - Tạp chí nghiên cứu Phật Học

Chú thích:
(1) (Đại học, Trung Dung, Luận ngữ, Mạnh tử).
(kinh Thi, kinh thư, kinh lễ, kinh dịch, kinh Xuân Thu)
(2) (tứ y pháp trong Luật nghi Khất sĩ)
(3) Wikipedia
(4) Website phattuvietnam: Đạo tràng theo hệ phái Khất sĩ đầu tiên ở miền Bắc
(5) Chơn lý tập 1, trang 357,
(6) Tạp chí văn hóa Phật giáo
(7) Biên niên sử hệ phái Khất sĩ
(8) Thánh địa học V. N