Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Tổ sư Minh Đăng Quang truyền dạy triết lý sống gần gũi với dân trí và văn hóa thuần Việt, nhất là Nam bộ thời bấy giờ. Giáo lý Hệ phái Khất sĩ bắt nguồn từ các tạng kinh của Phật giáo chính thống, điểm nhấn là đạo đức làm người, căn bản của hành trạng giáo hóa và tự trao dồi phẩm hạnh của mỗi người.

I. DẪN NHẬP

Giá trị cao quý của Phật giáo là mang chất liệu an lạc và giải thoát đến với cuộc đời. Chính vì lẽ đó, ngay nơi tự thân của hàng ngũ xuất gia truyền thừa Phật pháp cũng phải có sự trải nghiệm sự an lạc và giải thoát này. Trong bất kì thời đại nào đi chăng nữa, khi còn mang thân xác tứ đại, con người vẫn còn bị chi phối bởi phiền não tham sân si và những khổ đau nơi tâm hồn hay thể xác. Do đó, Phật pháp trở thành một món linh đơn diệu dược để xóa tan đêm dài của nỗi khổ trầm luân. Và nếu giáo pháp nhà Phật mà liều thuốc hay thì những người truyền bá đạo phải là những lương y tài giỏi. Đây là điều cốt lõi làm nên bản chất cao quý của Tăng-đoàn giác ngộ.

Với trí tuệ cao siêu và lòng từ bi vô bờ bến, đức Thế Tôn đã tự mình tu tập con đường Trung đạo thoát ly tam giới, chứng đắc quả Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Sau đó, Ngài dấn thân đi hoằng truyền chính pháp cho đến khi Niết-bàn. Từ một bậc giác ngộ hoàn toàn, Ngài dựng lập chúng Tăng sống đời sống vô cùng thoát tục đồng hướng về sự thành tựu Chính Tri kiến như Ngài. Quả thật con đường hoằng pháp của đấng Như Lai là khơi mầm tâm trí và đánh thức hạt giống Bồ-đề cho những người hữu duyên. Chính vì vậy, mà ánh sáng giác ngộ của Phật giáo đã thắp sáng giữa cõi đời một các nhiệm mầu qua biết bao thời đại.

Tiếp nối nguồn mạch tâm linh ấy, đức Tổ sư Minh Đăng Quang ngay từ khi mới phát tâm xuất gia đã lấy tinh thần sống chung tu học làm nền tảng trong việc tu tập và hành đạo. Ngài đã đi khắp mọi phương trời để tầm cầu các pháp tu từ các danh sư đương thời và tầm tòi quán xét cho đến khi tỏ thấu chơn lý. Sau khi chứng ngộ tại bãi biển Hà Tiên, Ngài trở lại cuộc đời để công bố giáo pháp. Trải dài trong mười năm hoằng pháp lợi sinh, Ngài đã xây dựng được đồ chúng với lưỡng bộ Tăng Ni khoảng 100 vị, xây dựng được mấy mươi tịnh xá và tiếp độ quy y cho hàng ngàn cư sĩ. Quan trọng nhất, Ngài đã dùng sự chứng ngộ nơi tự thân mình để làm tấm gương xây dựng cho cả hội chúng đồng hưởng vị ngọt của pháp lành. Bằng chứng là Tăng Ni luôn khép mình trong giới luật, dùng Tứ Y pháp làm nền tảng trong đời sống không không trong sạch và ứng dụng pháp tu Giới, Định, Tuệ thanh lọc thân, khẩu, ý của mình.

Trải qua thời gian trên 70 năm lập đạo và hành đạo, cội nguồn Khất sĩ vẫn còn tồn tại một cách mạnh mẽ trong lòng dân tộc. Đặc biệt, từ khi gia nhập Giáo hội trong chặng đường gần 40 năm qua, Hệ phái Khất sĩ đã có nhiều bước chuyển mình trong vai trò phụng sự và cống hiến cho Giáo hội. Nhân khóa Bồi dưỡng trụ trì năm 2018, Giáo đoàn VI xin trình bày tham luận “ĐỨC TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG: TỪ SỰ GIÁC NGỘ TỰ THÂN ĐẾN XÂY DỰNG HỘI CHÚNG GIÁC NGỘ” để ôn lại phần nào cuộc đời và đạo nghiệp của đức Tổ sư Minh Đăng Quang – Tổ khai sáng Hệ phái Khất sĩ ngày nay. Tham luận này mang tính chủ quan của người viết nên các nhận định và lý giải sẽ không đặt nặng hình thức tham cứu chuyên sâu. Chính vì lẽ đó, nội dung tham luận sẽ có nhiều sơ sót thậm chí sai lầm, cuối mong chư Tôn đức hoan hỷ chứng minh và chỉ dạy để chúng con được tấn hóa hơn trong việc tu hành và tiếp cận vào nguồn tri thức giác ngộ của tông môn Khất sĩ của Tổ thầy.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc He phai Khat si Duc To Su Minh Dang Quang 1 Copy

 

II. NỘI DUNG

1. Khái quát chung

Giác ngộ là tỉnh biết, hiểu rõ. Tức thể hội chân lí, khai phát chân trí. Có thể biết giác ngộ có tự lực giác và nhờ tha lực mà giác ngộ khác nhau, trình độ giác ngộ từ đó có sâu, có cạn bất đồng.[1]

Ngoài ra còn có khái niệm khác: Giác ngộ (zh. 覺悟, sa., pi. bodhi), danh từ được dịch nghĩa từ chữ bodhi (bồ-đề) của Phạn ngữ, chỉ trạng thái tỉnh thức, lúc con người bỗng nhiên trực nhận tính Không (sa. śūnyatā), bản thân nó là Không cũng như toàn thể vũ trụ cũng là Không. Chỉ với trực nhận đó, con người mới thấu hiểu được thể tính mọi hiện tượng. Tính Không hiểu ở đây không phải sự trống rỗng thông thường mà nói về một thể tính vô biên không thể dùng suy nghĩ, cảm nhận để đo lường, nằm ngoài cặp đối đãi có-không. Tính Không này không phải là một đối tượng để một chủ thể tiếp cận đến vì bản thân chủ thể cũng thuộc về nó. Vì vậy, giác ngộ là một kinh nghiệm không thể giãi bày.[2]

Người giác ngộ hoàn toàn là vị Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni, cũng là người bắt đầu giáo hoá cho nên đạo Phật cũng được gọi là “đạo giác ngộ”.

Dù rằng cái thể của tính Không là một, nhưng người ta cho rằng có nhiều mức độ giác ngộ khác nhau. Nếu so sánh giác ngộ như phá vỡ một bức tường, thì có mức giác ngộ như chỉ hé mở một lỗ nhỏ và giác ngộ như Phật Thích-ca là phá vỡ hoàn toàn bức tường đó. Có vô vàn khác nhau giữa các mức giác ngộ, biểu hiện bằng sự rõ ràng chính xác của thiền giả đạt được. Dựa trên kinh nghiệm của các bậc giác ngộ, thế giới của sự giác ngộ không hề khác với thế giới hiện tượng của chúng ta, tất cả đều là một, Hiện tượng-Tính không, Tương đối-Tuyệt đối. Kinh nghiệm về cái tất cả là một này chính là kinh nghiệm về thể tính tuyệt đối đó. Trong Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh chỉ rõ “sắc tức là không, không tức là sắc”, tức là không hề có hai thế giới. Nhờ tình trạng giác ngộ sâu xa, hành giả từ bỏ được cái Ngã. Trong Thiền tông, một khi cái ngã đã chết (đại tử) thì “đời sống” mới bắt đầu, đó là một cuộc sống tự tại và an lạc.

Một câu hỏi được rất nhiều người mộ đạo đặt ra cụ thể là: nhờ đâu mà người ta có thể nhận ra được một Thánh nhân, một bậc Giác ngộ – với những giác quan của một “phàm phu” – và theo người đó tu tập? Sách vở thường nói rằng, chỉ có một bậc Giác ngộ mới nhận ra một bậc Giác ngộ, nhưng kinh nghiệm chung cho thấy, người bình thường cũng có khả năng nhận ra được một người đã đạt một cấp bậc siêu việt trên con đường tu tập qua các biểu hiện, qua bầu không khí xung quanh người đó. Đó là một khung cảnh thái bình, tịch tịnh mà người nào cũng có thể cảm nhận được, ngay cả thú rừng. Trong khung cảnh này, tâm của con người không còn bị những câu hỏi, hồ nghi quấy nhiễu, không phải vì chúng mỗi mỗi được giải đáp mà vì chúng đã tự biến mất, tự hủy diệt trong cái tĩnh mịch vô biên của chân như.

2. Sự giác ngộ của đức Tổ sư Minh Đăng Quang

a. Bước đường tầm đạo

Không phải đơn thuần mà một cậu bé với độ tuổi mười lăm lại có thể nghĩ tưởng đến việc tầm cầu học đạo. Chắc có lẽ trong tầm nhận thức của Tổ sư ngay từ khi còn thơ ấu đã có những bước tiến cao tột hơn người thường. Sinh ra trong một gia đình chịu ảnh hưởng của thời đại phong kiến và nho giáo, Ngài được hấp thụ tri thức và nét văn hóa mang đậm tính Nam bộ. Tuy nhiên, theo sử liệu ghi chép, thời gian ấy nhiều tư tưởng cầu thấy hay học phép lạ để cứu nhân độ thế lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Với một tâm hồn thương yêu và cứu giúp đồng loại như Ngài thì dễ dàng tiếp cận và hưởng ứng tư tưởng này. Do đó, chỉ mới mười lăm cái xuân xanh vậy mà Ngài dám một thân một mình rời xa mái ấm gai đình sang Campuchia để học đạo.

Một vấn đề cần phải quán triệt ở đây mà chúng ta cần phải nhất trí đó là giai đoạn này không phải là giai đoạn mà Tổ sư xuất gia. Nhiều bằng chứng và nhiều giả thuyết cũng dựa trên những dữ liệu khách quan được chư Tôn đức cao hạ và uy tín như HT. Giác Giới, HT. Giác Toàn đều khẳng định thời gian này Tổ sư chỉ đi học đạo chứ không thể tính là việc xuất gia chính thức. Sở dĩ cần phải khẳng định như vậy là để cho người đời sau không lầm lẫn và kết luận một cách sai lệch đi dữ kiện lịch sử trong việc xuất gia của Tổ sư sau này.

Trở lại vấn đề trong việc cầu học đọc của Tổ sư là xuất phát từ tâm hồn vô cùng thuần khiết. Tâm hồn ấy luôn hướng về quê hương, dân tộc và cho bao lớp nông dân lao động còn đang đối diện với khó nghèo. Thực tế mà nói, khi nhắc đến đất nước Việt Nam thì người ta luôn nói đây là một đất nước nghèo. Và thực tế cho đến tận ngày nay, đất nước chúng ta cũng chỉ vừa mới thoát nghèo. Do đó, trong giai đoạn những năm 20 của thế kỷ 20, dân tộc ta phải chen chút nhau sống trong nhiều phương kế thiện ác lẫn lộn để sinh nhai là việc không thể tránh khỏi. Đời sống của con người thời ấy đã đánh động vào tâm thức của Ngài lòng từ bi và như thúc giục Ngài ra đi tìm phương cách cứu độ dân lành.

Đời chen lộn ngàn đường tội lỗi,

Ta bước riêng một lối thanh cao,

Đạo vàng quý báu biết bao,

Vừa mình tu tỉnh, vừa trau sửa người .

(Nhớ ơn Phật – Nghi thức tụng niệm)

Tầm đạo ở xứ Cao-miên với danh sư là ông Lục Tà-keo trong thời gian 3 năm Tổ sư đã lãnh hội và trải nghiệm xuất sắc tài hay phép lạ của vị này. Bởi thế cho nên dù mới 18 tuổi đầu nhưng Ngài đã được mời ở lại để dạy dỗ đồ chúng thay cho thầy mình. Nhưng với tâm Bồ-đề cao thượng, nhận thấy con đường này chưa đưa đến giải thoát nên Ngài xin từ biệt để trở lại quê nhà.

Trong giai đoạn này, tuy chưa phải là sự tu chứng nhưng việc tầm đạo của Tổ sư với tuổi đời niên thiếu đã thể hiện khí chất đại hùng, đại lực của hàng Thích tử xuất gia. Chính nhờ tinh thần xả thân cầu đạo như vậy đã tạo duyên lành rất lớn cho bước đường xuất gia trong cuộc đời của Ngài.

b. Xuất gia tu hành

Nếu ngày xưa đức Thế Tôn lìa bỏ cha già, vợ đẹp, con cưng để vào chốn sơn lâm tu học, thì ngày nay đức Tổ sư cũng nối bước y như Phật. Sau khi trả hết nghiệp duyên trần thế của đời sống gia đình, Ngài chính thức xuất gia vừa 22 tuổi. Thế là bao nhiêu gánh nặng của thế trần, bao nhiêu tình thương và trách nhiệm tạm bợ của kiếp nhân sinh từ nay gác lại.

Tóc vừa cạo, tơ lòng đoạn phủi,

Cuốn sổ đời tên tuổi đã bôi,

Nợ trần ngày ấy dứt rồi,

Tây phương ngày ấy một ngôi sẵn dành.

Kể ngày ấy vãng sinh xứ Phật,

Học đạo mầu nhiệm mật huyền vi,

Làm Tăng ôm bát, đắp y,

Vâng hành Pháp báu giữ trì giới nghiêm.

(Thuyền trí huệ – Nghi thức tụng niệm)

Đoạn kệ trên là thể hiện cho tinh thần thoát ly trần thế một cách mạnh mẽ và cao thượng. Ngang qua đó chúng ta thấy rằng một kiếp nhân sinh chẳng khác nào một quyển sách cả. Quyển sách cuộc đời sẽ ghi chép lại tất cả những hành nghiệp mà con người gieo tạo. Nó là nghiệp nhân, nghiệp quả là gói tư lương kiến tạo cho tương lai hạnh phúc hay đau khổ. Thế nên, kể từ ngày phát tâm xuất gia, cuốn sổ ghi nợ ở thế gian đã chính thức bôi xóa đi tên họ của chàng thanh niên Nguyễn Thành Đạt và trên liên đài một tòa sen thơm ngát vừa hé nở chào đón một bậc tu hành thoát tục. Bậc ấy chính là đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

c. Sự chứng ngộ

Từ quê hương Vĩnh Long, Ngài tìm đến vùng Thất Sơn để cầu học với các bậc tu hành đang ẩn cư tại các am thất và hang núi vắng người. Có rất nhiều chứng cứ lịch sử còn lưu lại tại nơi đây cho thấy Ngài đã có thời gian tham vấn và tu tập tại vùng đất này cho thế hệ sau khai phá để tăng thêm giá trị tính xác thực cho hành trạng của đức Tổ sư.

Sau đó, Ngài đến vùng biển Mũi Nai – Hà Tiên với ý định đón tàu ra Phú Quốc phỏng đạo tầm sư, nhưng vì trễ tàu, nên đành ở lại quanh vùng núi, cạnh bãi biển Hà Tiên tĩnh tọa tham thiền. Vào một buổi chiều, trong sự yên lặng của chơn như tự tánh và trước cảnh thiên nhiên trời nước bao la, những chiếc thuyền nhấp nhô, bọt nước tụ tán… Ngài chứng đạt lý vô thường, vô ngã, cảnh khổ trầm luân, đầy vơi, có không, còn mất, sống chết, khổ vui của cuộc đời. Ngài tỏ sáng lý pháp “Thuyền Bát-nhã” ngược dòng đời cứu độ chúng sinh. Sự kiện bừng ngộ tâm linh trọng đại này nhằm ngày rằm tháng 2 âm lịch năm 1944.

Sau thời gian tham thiền quán tưởng, chiêm nghiệm vạn pháp tại Hà Tiên, Ngài trở lại thăm viếng gia đình, khẳng định quả vị tu tập và con đường mà Ngài sẽ dấn thân, rồi tiếp tục du phương trải nghiệm chơn lý. Lần này Ngài lại lên vùng Thất Sơn, nơi có những bậc ẩn tu ít người thấy gặp. Giữa chốn núi cao chớn chở, cây lá phủ giăng, bốn bề tịch lặng, đêm thì Ngài tham thiền tịnh tọa, sáng thì khất thực hóa duyên trong thôn xóm theo hạnh Phật Tăng xưa để trau dồi đạo quả. Giờ ngọ thọ trai xong, Ngài tìm chỗ tịch lặng để thiền hành và giữ mình thanh tịnh.

Trong hai năm đó, Ngài vân du tìm học nơi hai nguồn giáo lý Phật giáo Nam và Bắc truyền tại Campuchia và Việt Nam, thảo luận đạo lý với nhiều bậc danh Tăng về pháp học lẫn pháp hành.

Đầu năm Bính Tuất (1946), vì nạn chiến tranh khói lửa, đốt phá núi rừng, nên Ngài phải trở về khu vực núi Trà Sư (núi Đất vùng Thất Sơn – Tịnh Biên – Châu Đốc). Tại đây, Ngài tiếp tục trải nghiệm giáo lý Y Bát của Phật Tăng xưa. Thời duyên đến, Ngài được một cư sĩ trong chuyến tham quan vãng cảnh thành kính cung thỉnh Ngài về Linh Bửu tự tại Mỹ Tho để phổ hóa nhân sinh.

Tại vùng đất hữu duyên tâm linh này, Ngài tiếp tục lặng lẽ nghiên tầm giáo điển của hai truyền thống Nam và Bắc tông Phật giáo. Do đó, thỉnh thoảng Ngài đến viếng thăm và trao đổi với thiền sư Minh Trực ở Phật Bửu tự, đại sư Huệ Nhựt phái Thiền Lâm, ngài Thiện Tường (chùa Vạn Thọ – Tân Định), Hòa thượng Thiên Thai (Bà Rịa – Vũng Tàu)… Đồng thời, Ngài cũng đến trao đổi với các cư sĩ trí thức lúc bấy giờ, như cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (Hội Phật học Nam Việt), cư sĩ Đoàn Trung Còn (Sài Gòn), cư sĩ Nguyễn Chấn (Trà Vinh)… Thông qua những chuyến viếng thăm và trao đổi đạo lý, Ngài biết rõ hiện trạng Phật giáo đương thời, đồng thời định hướng cho Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam theo truyền thống Phật Tăng xưa, phù hợp với nền văn hóa bản địa Việt Nam.

Vào ngày rằm tháng tư năm 1946, để châu viên giới tướng tương ứng với giới thể tự tánh trang nghiêm thanh tịnh mà Ngài đã chứng được, Ngài đã phát nguyện trước Tam Bảo điện chùa Linh Bửu, thọ Y bát Cụ túc 250 giới theo luật Đàm-vô-đức bộ, với pháp hiệu MINH ĐĂNG QUANG[3].

d. Bước đường giáo hóa

Sự giác ngộ nơi tự thân của Tổ sư không chỉ thể hiện ở việc tầm đạo và tu chứng mà còn thể hiện trong sự giáo hóa tuyệt vời của Ngài. Chỉ có bậc đạo sư lỗi lạc mới có trí tuệ và tầm nhìn sâu sắc trong việc vận dụng các tư tưởng Phật giáo Nam truyền, Bắc truyền đương thời để dung hòa trong việc dạy đọa của mình. Và Tổ sư đã làm được công việc cao thượng đó.

Đứng trên lập trường dung hợp hai trường phái Bắc tông và Nam tông để sáng lập ra Đạo Phật Khất Sĩ, Tổ sư đã nhấn mạnh trong quyển Chơn lý, số 16 như sau: “Chúng tôi du Tăng khất thực, sống với lẽ chung của tất cả chúng sinh, theo chơn lý võ trụ, không phân chia chủng tộc, màu da, phái môn, giai cấp, bần phú, sang hèn, cỏ, cây, thú, người, Tăng, Phật. Mục đích của Chính đẳng Chính giác quyết đến nẻo giải thoát hoàn toàn, không vì nhỏ hẹp mà đem mình vào sự trói buộc phiền não. Vậy nên, theo giới luật Phật xưa, nhà Tăng không ở một chỗ thâu nhận tín đồ bổn đạo riêng, mà phải vân du khắp nơi cùng xứ, vừa học với tất cả mọi người, vừa đem sự học của mình, giúp ích cho ai nấy trao đổi lẫn nhau, để cho sự học nhờ kinh nghiệm trong chỗ hành, mà chóng được đủ đầy Toàn giác”. (Chơn lý “Cư sĩ”)

Tổ sư chủ trương quay về với nguồn cội tâm linh, quyết tâm thực hiện truyền thống Giới – Định – Tuệ, phát huy tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia, tinh tấn trong tu tập và chu toàn đức giải thoát trên đường hoằng hóa độ sinh. Đối với đời sống cộng đồng, cộng trú tu học trong những ngôi già-lam tịnh xá, Tổ sư nêu lên phương châm:

Nên tập sống chung tu học:

Cái sống là phải sống chung,

Cái biết là phải học chung,

Cái linh là phải tu chung.

Sống chung tu học để nung đúc, rèn luyện, tăng trưởng cái sống, cái biết, cái linh chính là cụ thể hóa tinh thần Tam tụ Lục hòa mà chư Phật đã giáo huấn tự ngàn xưa.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc He phai Khat si Duc To Su Minh Dang Quang 2

3. Xây dựng hội chúng giác ngộ

a. Tôn chỉ hành đạo

Với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Tổ sư đã quyết chí đi theo con đường truyền thống mà Phật Thích-ca (Tất-đạt-đa Cồ-đàm) đã vạch ra, noi gương Phật Tăng xưa sống đời phạm hạnh của một “du phương Khất sĩ”. Tuy nhiên, từ nguồn suối tâm linh này, Ngài tiếp tục khơi thông nguồn mạch, thuận duyên hành đạo trong cộng đồng dân tộc Việt, để khai sáng ra hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam. Nghĩa là mặc dù cách tu học theo lối “Khất sĩ” đã có từ thời Phật Thích-ca còn tại thế, nhưng theo HT. Giác Toàn, thì trong cách tu học của hệ phái do Tổ sư sáng lập vẫn có “một sắc thái Phật giáo đặc thù, biệt truyền tại miền Nam Việt Nam”.

Về mục đích của sự tu tập theo lối Khất sĩ, Tổ sư giải thích đại ý như sau: “Sự xin ăn không phải là hèn kém, chẳng qua việc ấy nhắc nhở người tu hành phải biết nhẫn nhục và chịu đựng những thử thách, để lòng tự ái, dục vọng… chóng tiêu dần. Đồng thời qua đó, nó còn giúp người tu luyện trí, tạo cho mình những niềm lạc quan siêu thoát hơn. Về phần người bố thí, qua hình ảnh của người “khất sĩ”, họ sẽ hiểu được phần nào là “an vui thanh sạch”, là “trầm luân khổ ải” để sớm thức tỉnh, tìm đến con đường giải thoát phiền muộn. Tóm lại, đối với người tu, nếu không làm “Khất sĩ” để vừa hóa trai, vừa tu học thì không dễ gì đạt được đạo quả vô thượng”.

Giáo lý Hệ phái Khất sĩ bắt nguồn từ các tạng kinh của Phật giáo chính thống, điểm nhấn là đạo đức làm người, căn bản của hành trạng giáo hóa và tự trao dồi phẩm hạnh của mỗi người. Tổ sư Minh Đăng Quang truyền dạy triết lý sống gần gũi với dân trí và văn hóa thuần Việt, nhất là Nam bộ thời bấy giờ.

Mỗi người phải biết chữ.

Mỗi người phải thuộc giới.

Mỗi người phải tránh ác.

Mỗi người phải (học đạo) làm thiện.

Hiện nay, xóa mù và phổ cập đã xong, “biết chữ” không chỉ là đọc thông, viết thạo mà là tri thức xã hội, thấu hiểu kinh tạng ngày một sâu sắc hơn để ngộ về “Đạo”, ứng xử người với người vị tha, nhân bản hơn.

b. Đời sống Tăng sư

Trong quyển Chơn lý “Khất sĩ”, số 11, Tổ sư chỉ dạy về giáo pháp Khất sĩ như sau: “Khất sĩ là học trò khó đi xin ăn để tu học. Khất sĩ là cái sống của chơn lý võ trụ, mà tất cả chúng sinh đều là học trò cả thảy, bởi chúng sinh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết, và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ. Các sự thấy nghe hiểu để đem lại cho cái biết, biết quí báo hơn không biết, có biết mới hết mê lầm chấp trật, khổ sở nạn tai. Từ nhỏ đến lớn từ thấp đến cao từ trước đến sau, từ chiều đến sáng, mỗi lúc cái biết càng phân biệt, làm việc tích trữ, lớn to và đi tới, làm cho chúng sinh càng ngày càng được thêm sự học hành. Chúng sinh đây là căn thân và chủ thức (là người nhận biết) cho nên cái biết chủ cần phải sống, lớn, ăn, vui, yên và còn mãi mãi. Chính biết là ta, là mục đích của chúng sinh, là chơn lý của cuộc đời, là tinh ba của võ trụ, chính chơn lý hay triết lý mới là môn học thực tế, lợi ít đi ngay đến Niết bàn, kêu là đạo, là sự học không hai, là cái học của ta, nó ở với ta, nuôi sống cái ta, nó làm ta vậy ”.

Trong Kinh Không uế nhiễm, đức Phật dạy rằng có Tỳ-kheo sống trong rừng, chỉ đi khất thực, mặc y phấn tảo, ở dưới gốc cây, ăn đồ ăn trong bát nhưng nếu với tâm mà ác bất thiện pháp chưa đoạn trừ thì vị Tỳ-kheo ấy không đáng được tôn kính. Vì như một cái bát bằng đồng, bên ngoài bóng loáng, đẹp đẽ nhưng bên trong đựng đầy thức ăn hôi thiu, nhơ uế. Đem cái bát này để giữa chợ, mọi người ai cũng thích thú vẻ ngoài của nó nên xúm lại chiêm ngưỡng. Nhưng khi giở bát ai cũng chán chê, dù cho người đói cũng không thèm ăn đồ ô uế đó. Ngược lại, có vị Tỳ-kheo sống ở trong làng, ăn thức ăn do thí chủ cúng, y áo do thí chủ dệt, am cốc do thí chủ xây cất nhưng trong tâm ác bất thiện pháp đã được đoạn diệt. Vị này đáng được cung kính, gần gũi và học pháp. Cũng như một cái bát bằng đồng bên ngoài bóng loáng, bên trong đựng thức ăn thơm ngon, tinh sạch. Đem cái bát này để giữa chợ mọi người thích thú đến xem. Khi giở bát hương thơm đồ ăn bên trong tỏa ra ngào ngạt đến người đang no cũng muốn ăn thêm[4].

Khi xưa, thái tử Tất-đạt-đa có trí tuệ cao hơn người thường. Ngài đã học tập hết tất cả các kiến thức tôn giáo thời bấy giờ và ứng dụng hành trì trong thời gian xuất gia. Vậy mà, bỏ 6 năm tu tập vẫn không đưa đến kết quả giải thoát cho Ngài. Ấy là vì các học thuyết đương thời không phải là chính pháp đưa đến yểm ly, đoạn diệt, chứng đắc Niết-bàn. Cuối cùng, Ngài tự mình tìm ra con đường Trung đạo nên chứng quả Toàn giác sau 49 ngày thiền định dưới cội Bồ-đề.

Trong lần chuyển pháp luân đầu tiên, đức Thế Tôn đã dạy về lối tu này cho 5 anh em Kiều Trần Như và trở thành lời xác chứng cho nguồn chính pháp cao thượng phải đầy đủ hai góc độ pháp học và pháp hành. Đó là pháp tu Trung đạo trước khi Ngài dạy về Tứ diệu đế: “Hỡi này các Tỳ-kheo, có hai cực đoan không đưa đến đoạn tận khổ đau. Sự dể duôi trong dục lạc là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhơn, và vô ích. Sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhơn, và vô ích. Từ bỏ cả hai cực đoan ấy, Như Lai đã chứng ngộ con đường Trung đạo, là con đường đem lại nhãn quan và tri kiến đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết-bàn”.[5]

Trên bước đường tầm sư học đạo, Tổ sư Minh Đăng Quang đã học tập và thực hành lời dạy này. Sau khi thành Tổ khai sơn Hệ phái Khất sĩ, Ngài đã cụ thể hoá con đường Trung đạo bằng hạnh tu Tứ Y pháp:

– Người tu xuất gia chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp thì được ăn tại chùa.

– Người tu xuất gia chỉ lượm vải bỏ mà đâu lại thành áo nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được mặc.

– Người tu xuất gia chỉ ngủ qua đêm dưới gốc cây nhưng có ai cúng cốc lá, một cửa thì được ở.

– Người tu xuất gia chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau nhưng có ai cúng thuốc đường dầu thì được dùng.

c. Cương yếu giới luật

Đức Tổ sư luôn lấy giới luật làm đầu và luôn dạy dỗ các đệ tử phải hành trì giới luật. Thế nên, ngay phần đầu tiên Luật nghi Khất sĩ, Tổ sư đã ân cần dạy bảo: “Đạo Phật được bảo tồn lâu dài là nhờ giới luật; các Sư được tôn trọng sùng bái là nhờ giới luật; bá tánh được an cư lạc nghiệp, vui hưởng mọi sự lành, cũng nhờ giới luật nữa! Ở xứ nào mà người ta có giữ hạnh, thì dân chúng được bình an, không có tai nạn phiền hà; dầu là nhà sư Đại thừa ở Tàu, ở Nhật; dầu là Tăng Lạt-ma giáo ở Tây tạng; dầu là Tỳ-kheo Tiểu thừa ở miền Tích Lan hay Thiên Trước, mọi người đều phải trân trọng giữ giới, và nhờ sự bảo hộ bởi giới lành. Lại cư gia bá tánh cũng thế, không phân biệt là miền Đại thừa hay Tiểu thừa, ai nấy đều phải cần trì giới, giữ hạnh, để sống một cách phải thế, trong sạch và hiền hòa”.[6]

Giới luật của Hệ phái Khất sĩ như phần chú thích của Tổ sư trong Luật nghi Khất sĩ dựa theo Luật tứ phần của phái Đàm Vô Đức. Bộ luật được thực hiện triệt để cho từng đối tượng một cách rõ ràng như Tỳ-kheo gồm 250 giới; Tỳ-kheo-ni có 348 giới; Sa-di, Sa-di-ni có 10 giới, cư sĩ có 5 giới. Ngoài ra, Giới Bồ tát cũng được Tổ sư nói đến với tên gọi là Giới Phật tử.

Việc hành trì giới luật là để thanh lọc thân, khẩu, ý. Khi Tam nghiệp thanh tịnh, việc tu hành thiền định và phát triển tuệ giác sẽ được diễn ra thuận tiện. Tổ sư dạy: “Lời nói của người tu, ví như hoa sen, việc làm của người tu, ví như lá sen, ý niệm của người tu, ví như gương sen, cả thảy các pháp đều ở trên cao không trung, và không còn phải ô nhiễm nước bùn theo thế sự”. (Chơn lý “Trên mặt nước”)

d. Các pháp tu hành

Trong nếp sống thiền môn của chư Tăng Ni Khất sĩ, thiền định – quán chiếu là một nếp sống không thể thiếu để trau dồi nội lực, tịnh hoá tam nghiệp để trở về với bản tâm thanh tịnh chơn như của chính mình. Chính sự quán chiếu này, Tôn sư Minh Đăng Quang đã đạt được đạo khi nhìn thấy bọt sóng từng đợt vào ra tựu tán. Để được như vậy người xuất gia phải là chơn tâm xuất gia cầu đạo giải thoát, quyết lòng đạt đạo mới thôi. Muốn thế phải chính định diệt trừ vọng niệm cắt đứt vòng hệ luỵ, cởi trói sợi dây oan nghiệt, trở về với chơn tâm thường trú của chính mình tìm lại Phật tánh của mình.

Và như vậy, Tổ sư Minh Đăng Quang chủ trương thiền định quán chiếu vì đó là mục tiêu quan trọng của người xuất gia, có chính định mới làm chủ được mình mới làm thầy của trời và người, làm chỗ dựa cho bao tâm hồn bị lạc lỏng không nơi nương tựa, nương vào Tăng là người thừa kế sự nghiệp của chư Phật ba đời “kế vãng khai lai báo Phật ân đức” làm rường cột cho ngôi nhà Phật Pháp, để đảm bảo cho ngôi nhà Phật Pháp trường tồn mãi mãi trên thế gian này.

“Định là chính, Thể của định là vũ trụ bao la vô cực, Tướng của định là chơn như không vọng động, Dụng của Định là thay đổi tiến hóa, an vui giác ngộ qủa linh thần thông, Lý của Định là tự nhiên chơn thật, thân của Định là Giới, Trí của Định là Huệ, Tánh của Định là chơn còn Định là tâm của tất cả chúng sinh hay cũng là sự sống sức mạnh bao gồm tất cả”. (Chơn lý “Nhập định”).

Hành giả Khất sĩ không bận tâm bởi ngũ dục lục trần mới đạt được định tĩnh ở trong tâm rất cao rất vững, không còn dao động bởi những cám dỗ tầm thường của thế tục, như ngọn đèn vững vàng được bao bọc bởi bóng đèn, ánh sáng toả rạng soi rọi khắp nơi. Thật vậy hành giả Khất sĩ đầy đủ giới, trang bị giới như áo giáp không sợ bị mũi tên độc của tham sân si, phiền não, nghiệp chướng đâm xuyên phá được và từ đây bước chân đi du hoá khắp nhân gian gieo hạt giống từ bi trí tuệ khắp muôn nơi đấy là hạnh nguyện của một Tỳ-kheo Khất sĩ.[7]

III. KẾT LUẬN

Trải dài 35 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn là chiếc nôi nương tựa vững chắc cho tất cả Tăng Ni và Phật tử cả nước. Thành quả này là sự đóng góp tài năng, trí tuệ và công sức của từng cá nhân trong từng Hệ phái. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, Hệ phái Khất sĩ luôn là một thành viên quan trọng đóng góp rất lớn cho Giáo hội được phát triển về mọi mặt.

Thành quả này có được cũng là nhờ chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo tông môn bổn phái tu tập và sống đúng tinh thần giới luật Tăng đồ nhà Phật mà đức Tổ sư đã dày công giáo dưỡng. Tổ sư đã dạy: “Mục đích của sống là biết, biết là học. Cái sống là xin. Tất cả chúng sinh là đang xin lẫn nhau; tiến ra từ trong cái ác, cái bất công, cái mê muội”. (Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”)

Với tham luận “ĐỨC TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG: TỪ SỰ GIÁC NGỘ TỰ THÂN ĐẾN XÂY DỰNG HỘI CHÚNG GIÁC NGỘ”, Giáo đoàn VI chúng con xin được ôn lại đôi nét hành trạng của đức Tổ sư để phần nào ôn nhắc lại tâm gương dấn thân hành đạo vì sinh chúng của Ngài. Ngang qua đó làm tăng trưởng thêm niềm kính tin vào giáo pháp của Tổ Thầy, tăng trưởng thêm tinh thần cầu học trong mọi hoàn cảnh trong nước hay nước ngoài cho các thế hệ Khất sĩ hôm nay và mai sau. Với tất cả tâm niệm thành kính nhất, mãi mãi chúng con luôn hướng về nguồn cội tâm linh giác ngộ mà bậc Thầy khai sáng chính là đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã khơi gợi qua công hạnh tu hành và khai sáng đạo pháp của Ngài.

Con nguyện dấn thân đi cùng trời cuối đất,

Để tu hành chánh pháp đạo Thích-ca,

Như con tàu không hẹn đỗ sân ga,

Xuôi ngược mãi trên lộ trình giác ngộ.

Tác giả: TK.Minh Điệp
Nguồn: https://daophatkhatsi.vn/lich-su-he-phai/ts-minh-dang-quang/cuoc-doi-dao-nghiep/duc-to-su-minh-dang-quang-tu-su-giac-ngo-tu-than-den-xay-dung-hoi-chung-giac-ngo.html

***

THAM KHẢO
1. Kinh Trung bộ – HT. Thích Minh Châu dịch.
2. Chơn lý – Tổ sư Minh Đăng Quang
3. Phật học phổ thông – HT. Thích Thiện Hoa.
4. Phật học cơ bản – Ban Hoằng pháp T.Ư.
5. Giáo trình Phật học – Phạm Kim Khánh dịch.
6. Đức Phật và Phật pháp – Phạm Kim Khánh dịch.
7. Phật Quang Đại từ điển – HT. Thích Quảng Độ dịch.
8. Huệ Quang Đại từ điển – Viện Nghiện cứu Phật học VN.
9. Từ điển Phật học – Đoàn Trung Còn.
10. Và một số trang wed: daophatngaynay.com/vn, giacngo.vn, daophatkhatsi.vn, thuvienhoasen.com, hoalinhthoai.com, tinhxalocuyen.net …

[1]Quảng Độ dịch, Phật Quang Đại Từ Điển, tập 2, Nxb. Đài Bắc, 2000, tr.1940.
[2]https://vi.wikipedia.org/wiki/Giácngộ.
[3]HT. Giác Toàn, Lịch sử Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang, 2014.
[4]HT. Minh Châu dịch, kinh Không Uế Nhiễm, Kinh Trung Bộ, tập I.
[5]HT. Minh Châu dịch, Kinh Chuyển Pháp Luân, Tương Ưng Bộ.
[6]Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
[7]NS. Hòa Liên, Tham luận: Nội dung tu tập và phương pháp hành trì của Hệ phái Khất sĩ, 2016.

Tác giả: TK.Minh Điệp -  Tạp chí nghiên cứu Phật Học