Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Hệ phái Khất sĩ chúng ta với phương châm: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Trong đó, từ Khất sĩ đứng hàng đầu trong tiếng Tỳ-kheo, chứ không phải Khất sĩ của Tổ sư Minh Đăng Quang, cần hiểu rõ điều này để thấy, đạo Phật có nhiều pháp môn, nhưng tất cả đều là phương tiện.

“Nói đến công hạnh của Đức Tổ sư, nhờ Ngài dành thời gian tìm học và nghiên cứu đạo pháp, viết nên bộ Chơn Lý để lại cho Tông môn Khất sĩ Việt Nam, mà ngày nay hàng đệ tử chúng ta có phương tiện nhận rõ giáo pháp của Đức Thế Tôn”, Trưởng lão Hòa thượng Giác Nhường, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái nhận định.

Đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổ sư Minh Đăng Quang là sự kiện quan trọng của Hệ phái Khất sĩ. Ân đức Đức Tổ sư đối với hàng hậu học vô cùng to lớn, được chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái ghi tạc trong tâm khảm. Các vị chia sẻ với Đuốc Sen lòng tri ân ấy và ưu tư việc báo ân Tổ Thầy là không ngoài việc tu, học, trở về với Phật tánh ở bên trong chứ không phải tầm cầu bên ngoài…

Xuất gia từ năm 1956, tôi đã được cùng chư tôn giáo phẩm Hệ phái, những vị là đệ tử trực tiếp của Đức Tổ sư, như Nhị tổ Giác Chánh, mà bấy giờ vẫn thường gọi là Thượng tọa Giác Chánh, Pháp sư Giác Nhiên… tham gia đoàn du Tăng. Chư vị hầu như đều đã viên tịch, nhưng ấn tượng sâu sắc trong tôi cho đến nay là Nhị tổ Giác Chánh, người dìu dắt Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ trên con đường “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, kể từ khi Tổ sư vắng bóng cho đến ngày Ngài thị tịch. Nhị tổ Giác Chánh đã trở thành tấm gương sáng cho hàng hậu học Hệ phái noi theo trên bước đường tu tập và hành đạo.

Phật dạy, mỗi người chúng ta đều có căn tánh khác nhau, nên tùy thuận vào căn tánh ấy mà có các pháp môn tương thích, nhằm giúp cho người tu tập thực hành để đi đến ngộ đạo. Ví như khi Phật thuyết về Bát Chánh đạo, con đường Trung đạo, Ngài cũng đã khẳng định việc tu khổ hạnh không phải là con đường duy nhất và tốt nhất để đi đến giác ngộ. Song, thực tế vẫn có nhiều vị chấp thủ vào con đường khổ hạnh mà quyết đi theo đó. Cũng như có những vị thực hành pháp tu Tịnh độ, nhưng vẫn chưa làm chủ được chính mình; hay đôi khi chấp vào phương tiện quá đà, mà mất đi bản tánh vốn sẵn có.

Đây cũng là những điều thường gặp phải trên con đường tu tập, bởi tất cả chúng ta dẫu sẵn có Phật tánh, nhưng phần lớn bị vô minh che lấp mà chưa thể chứng ngộ được điều đó. Bởi vậy, Tổ sư dạy rõ, người xuất gia nên sống chung tu học, tức sống trong Tăng đoàn, được sự chỉ dạy, thực hành và nhắc nhở, bảo hộ của Tăng đoàn, từ đó mà hình thành nếp sống, nếp tu tập và biết sửa mình cho đúng với Chánh pháp.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc He phai Khat si An duc to nhu vang nguyet sang soi 2

Trưởng lão HT.GIÁC NHƯỜNG, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, Chứng minh Ban Trị sự Giáo đoàn I, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Minh (Cần Thơ).

Nói đến công hạnh của Đức Tổ sư, nhờ Ngài dành thời gian tìm học và nghiên cứu đạo pháp, viết nên bộ Chơn Lý để lại cho Tông môn Khất sĩ Việt Nam, mà ngày nay hàng đệ tử chúng ta có phương tiện nhận rõ giáo pháp của Đức Thế Tôn. Cũng từ bộ Chơn Lý, hàng hậu học có cơ sở dễ dàng nghiên cứu kinh Nguyên thủy (Nam tông), kinh Đại thừa (Bắc tông) – kinh điển hai hệ phái lớn của Phật giáo – từ đó hiểu rõ và sâu sắc về Kinh – Luật – Luận.

Hệ phái Khất sĩ chúng ta với phương châm: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Trong đó, từ Khất sĩ đứng hàng đầu trong tiếng Tỳ-kheo, chứ không phải Khất sĩ của Tổ sư Minh Đăng Quang, cần hiểu rõ điều này để thấy, đạo Phật có nhiều pháp môn, nhưng tất cả đều là phương tiện. Ở đây, Tổ sư đã khéo léo hòa hợp hai truyền thống Nam – Bắc tông. Cốt yếu của đạo Phật là “nhất thiết duy tâm”, dẫu ở pháp môn nào, với tâm giác ngộ, tâm sáng suốt, đó mới là chỗ giải thoát, giác ngộ hoàn toàn. (HT. Giác Nhường)

Điều này chứng minh rằng, Phật giáo bất phân định hệ phái, Tông môn, tất cả đều không có sự phân biệt. Đây cũng là điều mà Tổ sư Minh Đăng Quang nhấn mạnh trong suốt quá trình hoằng hóa giáo pháp của Ngài.

Việc không thắp hương khi cúng kính trong các lễ tưởng niệm, hay thậm chí là trong các nghi thức thờ cúng hàng ngày, đều không có gì là sai. Việc thắp hương truy vấn từ khởi nguyên, thực chất là việc làm mang tính tập quán của dân tộc, do quá trình tiếp biến văn hóa từ Trung Quốc là chính. Nếu muốn thắp hương, hãy thắp như lời kinh dạy, đó là thắp Ngũ phần hương. Ngũ phần hương gồm năm loại hương thơm: Hương Giới, hương Định, hương Tuệ, hương Giải thoát và hương Giải thoát tri kiến.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc He phai Khat si An duc to nhu vang nguyet sang soi 3

Trưởng lão HT. GIÁC GIỚI, Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Chứng minh Ban Trị sự Giáo đoàn I, Trụ trì Tổ đình Minh Đăng Quang (Vĩnh Long).

Đức Nhị tổ từng ban pháp ngữ nhân ngày tưởng niệm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, đại ý rằng: “Trong ngày tưởng niệm Tổ sư, Tăng đoàn cùng trang nghiêm trì bình khất thực, sau đó quay về trú xứ tu Thiền. Chỉ cần như vậy, đó là sự tưởng niệm cúng dường lên Tổ Thầy”.

Theo đó, khi cúng Phật, việc thắp nhang hay ngũ phần hương đều có ý nghĩa tôn kính và dâng cúng lên Đức Phật, trong đó chính yếu của việc thắp nhang là đốt nén tâm hương. Xét về phương diện lịch sử, việc dùng các loại hương liệu như là một sự thỉnh cầu, như một sứ giả của Phật có cơ sở trong nhiều bản kinh, luật thuộc Đại chúng bộ và Nhất thiết Hữu bộ. Về phương diện lý thể, việc quá chú trọng đến hương hoa phụng cúng cũng như quan tâm bày biện các hình thức lễ nghi cũng không phải là điều được đức Phật tán thán.

Trong cuốn Pháp giáo Minh Đăng Quang của tác giả Hàn Ôn có ghi nhận, Tổ sư Minh Đăng Quang khẳng định rằng: “Bộ Chơn Lý chính là dấu xương của tôi để lại”. Theo đó, Đức Tổ sư cho rằng, những gì Ngài truyền đạt qua bộ Chơn Lý chỉ là Ngài đang thêm vào chỗ thiếu của người đương thời mà thôi. Như vậy, là hàng hậu học, là những người đệ tử đi theo dòng pháp mà Tổ sư nối truyền, tại sao người đệ tử tu học theo truyền thống Khất sĩ chúng ta không đi tìm những dấu xương ấy của Ngài? Tổ sư đã khẳng định: “Bộ Chơn Lý chính là dấu xương của tôi để lại”, vậy đệ tử chúng ta còn cần chi tìm kiếm những thứ khác để lấy đó tưởng nhớ Ngài mà thờ cúng. Chỉ cần thờ bộ Chơn Lý chính là nhớ nghĩ đến Đức Tổ sư.

Với bộ Chơn Lý mà Đức Tổ sư để lại, như Ngài nói, chỉ là Ngài đang thêm vào những chỗ thiếu của người đương thời. Có thể thấy, giá trị của tôn giáo phụ thuộc chính vào việc hành tâm giáo. Tuy nhiên, phần lớn con người rơi vào việc phô trương tôn giáo, lấy sự hoành tráng trong nghi lễ cúng kính làm chính yếu. Sự phô trương và bành trướng tôn giáo đã tràn lan ở giai đoạn ấy, song vẫn thiếu một điều quan trọng, đó là Chánh pháp. Chánh pháp bị che mờ bởi vô minh, khiến con người không nhìn thấy, không nhận ra đâu là Chánh pháp. Thấu tỏ điều ấy, Đức Tổ sư đã khơi gợi, nhắc nhở đâu là Chánh pháp, Chánh pháp là gì và rõ ràng Ngài đã thực hành trọn vẹn tinh thần nối truyền dòng suối Chánh pháp của đức Phật.

Cũng từ điểm này cho thấy, hàng đệ tử Khất sĩ chúng ta ngày nay đang dần đi sai con đường của Tổ sư đã dạy. Quý sư Hệ phái Khất sĩ đã và đang tiếp tục bành trướng tôn giáo quá nhiều. Để làm gì? Phải chăng là để gây niềm tin quần chúng, nhằm thu hút đông đảo tín đồ, gây dựng nên đông đảo ngôi Tịnh xá to lớn và khang trang, Hệ phái được mở rộng và vững mạnh với số lượng lớn Tăng Ni, nam nữ cư sĩ Phật tử… lấy đó làm cơ sở để “báo cáo” mà tự hào? Thực tế, điều Tổ sư mong muốn không nhiều như vậy. Điều Tổ sư muốn chỉ là thêm vào chỗ thiếu của người đương thời. Ngài không nói là “Phật giáo đương thời”, mà là “người đương thời”. Người đương thời thiếu điều gì? Đó là Chánh pháp

Theo tôi, Hệ phái chúng ta ngày nay nên hạn chế việc mở rộng cơ sở tôn giáo, thay vào đó hãy tập trung lại, cùng nhau chuyên trì học Pháp và hành Thiền. Đó mới là việc làm thiết thực để gìn giữ và phát huy đạo pháp của Tổ Thầy. (HT. Giác Giới)

Các vị Tăng Ni Hệ phái hiện nay, đặc biệt là các vị tôn túc, mang danh là lãnh đạo Hệ phái nói chung và lãnh đạo từng Giáo đoàn, Ni giới Khất sĩ nói riêng, nên họp bàn và có sự thống nhất, đó là đi về lại con đường của Tổ đã buổi đầu dày công dựng lập. Đức Tổ sư đã khéo léo dung hợp cả hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền, do đó, chúng ta không thể bỏ qua hệ thống kinh điển nói trên, đặc biệt là các kinh điển Bắc truyền. Chúng ta cần nên giảng giải kinh điển Đại thừa theo cách mà Tổ sư giảng, đó là giảng theo ngôn ngữ hàm ý. Cần hiểu rằng, ngôn ngữ Đại thừa là ngôn ngữ hàm ý – Tôi xuất gia khi còn Tổ sư Minh Đăng Quang, vào năm 1951, lúc vừa tròn 19 tuổi. Ngày ấy, Sư bà (Thân mẫu của Ni trưởng – PV) đã dẫn tôi xuống vùng Sa Đéc mong được gặp Tổ sư để đảnh lễ và tôi được Sư bà gửi gắm xin được quy y, xuất gia theo Ngài. Sau đó, tôi được Đức Tổ sư hứa khả cho xuất gia, rồi gửi cho Ni trưởng Đệ nhất và được nhận pháp danh là Tân Liên. Bấy giờ, tôi về Tịnh xá Ngọc Thuận (Vĩnh Long), nơi chư Ni Khất sĩ tu học, còn Đức Tổ sư trụ tại Tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc He phai Khat si An duc to nhu vang nguyet sang soi 4

NT. TÂN LIÊN, nguyên Ủy viên Thường trực Ban Tăng sự TƯ; nguyên Phó Trưởng Phân ban Ni giới TƯ; Chứng minh Phân Ban Ni giới TƯ, Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Tiền Giang, Đương kim Đệ ngũ Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ

Nhớ thuở ấy, do còn nhỏ, chúng Ni trạc tuổi tôi mỗi chiều sau khi đảnh lễ Đức Tổ sư xong, thì chỉ được ngồi ngoài gốc cây, ngoài hiên để nghe những ý pháp từ Đức Tổ sư giảng dạy. Lúc bấy giờ chỉ có quý Ni trưởng lớn mới được trực tiếp ngồi nghe Đức Tổ sư giảng pháp. Trước khi xuất gia, tôi có nhiều cơ hội được nghe pháp từ Đức Tổ sư thuyết giảng trong lúc Ngài đi hoằng hóa tại Tịnh xá Ngọc Lâm (Phú Lâm). Nhờ những thời pháp ấy đã giúp tôi quyết chí xuất gia tu tập, mong được làm đệ tử của Ngài, được tầm cầu học đạo giải thoát như Ngài.

Đến nay đã hơn 70 năm kể từ ngày xuất gia, con đường tu tập của chư Ni nói chung và cá nhân tôi nói riêng, bước theo dấu chân của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang với tông chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Kể từ ấy, ý chí và quyết tâm của chúng tôi chỉ có sự tiến bước liên tục, chứ chưa bao giờ ngưng nghỉ. Sự hiện đại hóa và mọi phương tiện ngày một tiện nghi của ngày nay, so với sau giai đoạn giải phóng, có thể nói Tăng Ni thế hệ của chúng tôi tu học tương đối khó khăn, dường như luôn kham nhẫn, gian khổ trong mọi hoàn cảnh, vì tình hình chung của xã hội thời ấy còn chiến tranh và đói kém. Mặc dù vậy, tinh thần tu học của chúng tôi luôn dõng mãnh và vững vàng, cho đến khi vượt qua giai đoạn khó khăn, chúng tôi càng thêm tinh tiến hơn.

Ngày nay, Tăng Ni trẻ có đời sống tu học đầy đủ tiện nghi hơn trước, được đi học và bổ sung pháp học rất nhiều, nhưng đời sống phạm hạnh, đạo lực tu học và pháp hành lại kém xa so với các bậc tôn túc đi trước. Do vậy, muốn phát huy giáo lý Tổ Thầy, mỗi Tăng Ni trẻ phải tô bồi đạo lực, trưởng dưỡng giới đức. Có thế, tuy cách xa Tổ Thầy nhưng đạo pháp vẫn sáng ngời, đó chính là cách chúng đệ tử đang gần kề bên các Ngài, đang bày tỏ lòng hiếu kính đối với Tổ Thầy. (NT. Tân Liên)

Tăng Ni trẻ ngày nay thiếu sự tu tập, không chuyên chú giữ gìn giới pháp, ít vun bồi tuệ giác. Do đó, chúng tôi luôn nhắc nhở, khuyến tấn chư Ni tôn chỉ của Tổ Thầy chúng ta là: Nối truyền gương hạnh của Đức Phật, tức lấy Giới Định Tuệ làm tư lương. Vì vậy trước khi viên tịch, Đệ nhất Ni trưởng cũng răn dạy:

“Ngày đã cận cần tu gấp rút,
Giới giữ sao trong sạch như xưa,
Định huệ không thiếu không thừa,
Lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng”

Đây chính là bổn hoài của chư Phật, vì trang nghiêm giới pháp và tuệ trí cho chính mình mới đủ năng lực hóa độ chúng sanh, tròn xong hạnh nguyện của bậc xuất trần. Ngày trước, Đệ nhất Ni trưởng vô cùng kỹ lưỡng trong việc thọ nhận đệ tử theo xuất gia tu học, nhưng ngày nay, nhu cầu của Tăng Ni lại thay đổi khá rõ nét. Phần lớn vì muốn có đệ tử đông, nhưng lại không chú trọng vào việc giáo dưỡng đệ tử. Vấn đề này đã được chư Tôn đức Giáo phẩm quan tâm và đây cũng là nội dung và lý do chính để các khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” ra đời. Tôi cũng bày tỏ sự hoan hỷ vô cùng trước những khóa tu ấy, bởi đó là cơ hội thiết thực để Tăng Ni trẻ có thời gian thực hành pháp, dù ngắn nhưng được lắng nghe chư Tôn đức Giáo phẩm chia sẻ kinh nghiệm tu học và pháp hành để từ đó mỗi vị có tư lương, lấy đó mà trau dồi, tu sửa lại oai nghi, chánh hạnh của chính mình.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc He phai Khat si An duc to nhu vang nguyet sang soi 5

NT. CHIÊU LIÊN, Giáo phẩm Chứng minh Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Phó ban Ban Thường trực Hội đồng Giáo phẩm Ni giới Hệ phái Khất sĩ, nguyên Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai.

– Tôi xuất gia ở Tịnh xá Ngọc Liên, Cần Thơ; sau đó về ở Tịnh xá dưới Bạc Liêu cùng các Sư cô. Tịnh xá bấy giờ khá vắng, tuy nhiên, chư Ni cũng bám trụ để chuyển đạo vào đời. Việc xây dựng, chấp tác tại Tịnh xá cũng đơn sơ, bằng tay chân. Các Sư cô làm hồ sen, đắp núi,… được nhìn thấy hình ảnh Tổ sư. Ngày nào tôi cũng bắt gặp hình ảnh Tổ với cây viết, tập giấy, ở nơi cốc hay ngồi dưới bóng cây bã đậu soạn bộ Chơn Lý.

Hàng đệ tử chúng tôi nói riêng và Tăng Ni Khất sĩ nói chung rất quý bộ Chơn Lý vì tác phẩm này gắn với hình bóng Tổ sư, thuở người mới khai đạo. (NT. Chiêu Liên)

Thời đó còn khó khăn, nên nhìn chung dẫu đi khất thực cũng vẫn thường phải chịu cảnh đói khổ. Dù thiếu thốn về vật chất, thực phẩm, hoàn cảnh khó khăn đủ bề, song tinh thần tu học của chúng tôi ngày ấy mạnh mẽ. Thậm chí, lấy khó khăn ấy làm niềm vui, cùng nương tựa nhau mà quyết tâm tu hành. Hồi đó đói mà vui. Sáng ôm bát đi không biết mình ăn gì. Có bữa ăn vài trái chuối, người ta để bát gì ăn đó

So với chư Tăng Ni trẻ ngày nay, được sống trong xã hội hòa bình và đầy đủ hơn, cư sĩ Phật tử cũng đông đảo và luôn sẵn lòng hộ trì giáo pháp, hộ trì người hành đạo, tôi mừng lắm. Tuy vậy, thực tế đạo lực tu và sự kham nhẫn lại không bằng chư Tăng Ni thế hệ trước. Có lẽ do thời cuộc, hoàn cảnh, mà mỗi thế hệ có sức chịu đựng, vượt qua khó khăn, trở ngại khác nhau…

Tôi nhớ, Sư bà tôi ngày đó (NT. Huỳnh Liên – PV) nghe thời pháp của Tổ giảng ở Phú Mỹ đã quỳ lên xin đi tu. Tổ hỏi: “Tín nữ xuất gia với hạnh nguyện gì?”. Sư bà thưa: “Con xuất gia với hạnh nguyện làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ”. Hồi đó, Sư bà mới 25 tuổi. Tổ nói 04 vị mới nhận. Bấy giờ, Sư bà mới mời thêm 03 vị nữa cùng xin xuất gia theo tu cùng Tổ. Tổ giáo dưỡng và hướng dẫn chư Ni hành đạo, rồi Ni giới Khất sĩ phát triển ngày càng đông.

Từ ngày Tổ sư vắng bóng đến nay gần 70 năm, giáo pháp của Ngài càng ngày càng mở rộng. Mặc dù, Tổ vắng bóng nhưng môn đồ đệ tử của Ngài vẫn luôn cố gắng tu hành, hầu báo đáp ân đức Tổ Thầy trong muôn một. Với tôi đó cũng là điều vô cùng ý nghĩa và thiết thực.

Ngọc Đạt thực hiện
Theo: Tạp san Đuốc Sen 32 -  Tạp chí nghiên cứu Phật Học